Nelson Mandela vĩ đại

Nelson Mandela vĩ đại

“Suốt cả cuộc đời mình, tôi luôn cống hiến bản thân cho cuộc đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự cai trị của người da trắng và tôi cũng chiến đấu chống lại sự áp bức của người da đen. Tôi luôn ấp ủ lý tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, mà ở đó mọi người đều sống bên nhau trong hòa thuận và bình đẳng. Tôi hy vọng có thể sống và đạt được lý tưởng này. Nhưng nếu cần, tôi sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng đó”, tuyên bố của Nelson Mandela tại buổi đầu tiên của phiên biện hộ vào tháng 4-1964 đã trở nên nổi tiếng trên thế giới.

        Hy sinh cho lý tưởng sống

Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, sinh ngày 18-7-1918, trong một gia đình tù trưởng thuộc bộ tộc Thembu. Cụ cố của ông từng là thủ lĩnh của người Thembu ở vùng Transkei, nay là tỉnh Eastern Cape. Trong giấy khai sinh, ông chỉ có tên Rolihlahla Mandela. Tuy nhiên, kể từ ngày đi học, ông có thêm tên Nelson. Tâm sự về việc này, ông cho biết: “Ngày đầu tiên tới trường, cô giáo của tôi, cô Mdingane, đã đặt cho mỗi chúng tôi một cái tên của người Anh. Đó là thông lệ đối với người Phi thời đó, bởi nền giáo dục lúc bấy giờ chịu nhiều ảnh hưởng của người Anh. Hôm đó, cô Mdingane bảo tên tôi là Nelson”.

“Người cha của dân tộc” Nam Phi đã ra đi.

“Người cha của dân tộc” Nam Phi đã ra đi.

Nelson Mandela theo học tại nhiều trường đại học ở Nam Phi, nơi ông học các ngành chính trị học, nhân chủng học và luật học, đồng thời tham gia các hoạt động chính trị. Trong thời kỳ này, ông nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1944 khi gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), trở thành thành viên sáng lập của Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC. Sau khi phái dân tộc chủ nghĩa Afrikaner trong đảng Dân tộc lên nắm quyền vào năm 1948 và bắt đầu thực hiện chính sách apartheid, ông đã nổi lên như một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của ANC và được bầu làm Chủ tịch đảng bộ tỉnh Transvaal lúc bấy giờ.

Năm 1961, ANC đã chấp thuận đề xuất của Nelson Mandela về việc sử dụng bạo lực để chống lại chính phủ bạo tàn ở Nam Phi, đồng thời kêu gọi những người có chung chí hướng tham gia chống lại chính phủ. Sau đó, Nelson thành lập Umkhonto We Sizwe, lực lượng vũ trang của ANC và trực tiếp lãnh đạo lực lượng này.

Năm 1962, Nelson Mandela bị bắt, cáo buộc với nhiều tội danh và bị kết án 5 năm tù. Năm 1963, ông cùng nhiều thành viên của Umkhonto We Sizwe bị đưa ra xét xử với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền bằng vũ lực. Ngày 12-6-1964, chính quyền apartheid chính thức kết án tù chung thân Nelson Mandela cùng 7 người khác vì tội danh âm mưu lật đổ chính quyền.

        Di sản khổng lồ

Tháng 2-1985, Tổng thống của chế độ apartheid P.W. Botha đã ra điều kiện với Nelson Mandela về việc trả tự do cho ông. Theo đó, Nelson Mandela phải từ bỏ bạo lực, chống chính quyền nhưng Nelson Mandela đã từ chối thẳng thừng. Quan điểm của Nelson Mandela về lời đề nghị của chính quyền apartheid đã được thể hiện rõ trong lá thư gửi con gái ông: “Tự do gì khi cha được trả tự do nhưng tổ chức vì nhân dân bị cấm cản hoạt động? Chỉ người tự do mới có thể đàm phán. Tù nhân không thể thương lượng”.

Sau 27 năm bị giam cầm tại rất nhiều nhà tù, cuối cùng, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, chính quyền apartheid đã phải trả tự do cho ông vào ngày 11-2-1990. Ông lập tức quay lại với sự nghiệp chính trị mà ông theo đuổi. Được bầu làm Chủ tịch ANC vào năm 1991, ông đã đàm phán một cách khôn khéo với F.W. de Klerk, vị tổng thống cuối cùng của chế độ apartheid, về việc xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc bậc nhất trong lịch sử nhân loại và chuyển giao hòa bình sang chế độ dân chủ đa chủng tộc. Giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, chiếm 62,65% phiếu bầu, ANC đã giành lại quyền lãnh đạo đất nước từ tay người thiểu số da trắng trong suốt 3 thế kỷ.

Trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước CH Nam Phi dân chủ vào ngày 10-5-1994, Nelson Mandela đã lãnh đạo xây dựng Hiến pháp mới và thiết lập Ủy ban thừa nhận sự thật và hòa giải để điều tra các hoạt động vi phạm nhân quyền trước đó, đồng thời xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy cải cách ruộng đất, đấu tranh chống đói nghèo và phát triển mạng lưới phúc lợi xã hội. Ông từng là Tổng Thư ký Phong trào không liên kết giai đoạn 1998 - 1999.

Trên trường quốc tế, ông Mandela được tôn vinh như một người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chống phân biệt chủng tộc. Còn ở trong nước, ông được gọi một cách trìu mến là “Người cha của dân tộc”, hay đơn giản là Madiba, tên cúng cơm của ông. Ông đã được trao hơn 250 giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Nobel hòa bình, Huân chương Lenin của Liên Xô, Huy chương Tự do của Mỹ. Đã có hàng ngàn cuốn sách và gần một chục bộ phim nói về ông.

Ra đi, ông Mandela đã để lại một di sản khổng lồ và nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng người dân Nam Phi và bạn bè quốc tế. Ông đã dành trọn đời mình cho cuộc đấu tranh chung của nhân loại nhằm xây dựng thế giới ngày một tươi đẹp hơn.

Cả thế giới nghiêng mình trước ông: Biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, một chính trị gia kiệt xuất của thế kỷ 20, người đã dành cả cuộc đời mình đấu tranh cho người dân châu Phi. Xin vĩnh biệt ông, “Người cha của dân tộc” Nam Phi, Nelson Mandela!

Đánh giá cao những cống hiến của Nelson Mandela, tháng 9-2009, Đại hội đồng LHQ đã chính thức tuyên bố lấy ngày 18-7 hàng năm (ngày sinh của ông) làm Ngày Quốc tế Mandela, hay còn gọi đơn giản là Ngày Mandela. Thông điệp của Ngày Mandela là: “Mandela đã dành 67 năm cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội. Chúng ta hãy dành 67 phút trong ngày này để thay đổi thế giới quanh mình”. Nói về vinh dự này, ông Mandela cho biết ông sẽ cảm thấy vinh dự nếu một ngày như vậy có thể tập hợp mọi người trên khắp thế giới vào mục tiêu đấu tranh chống đói nghèo, thúc đẩy hòa bình và hòa giải.

ĐỖ CAO (Tổng hợp)

>> Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời

Tin cùng chuyên mục