Xưởng trồng cây
Năm 2016, GDP ngành nông nghiệp TPHCM tăng 5,8%, bằng 4,8 lần so với mức tăng cả nước là 1,2%; giá trị sản xuất tăng 5,8%, bằng 4 lần so với mức tăng cả nước là 1,44%. Đây là kết quả hơn một thập niên TPHCM chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang cây - con có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, cá cảnh...
Vì vậy, dù diện tích đất nông nghiệp hàng năm giảm do áp lực đô thị hóa, nhưng giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp vẫn tăng: năm 2016 đạt 410 triệu đồng/ha, tăng 9,3% so với năm 2015 (375 triệu đồng/ha). Nếu so với giá trị đất sử dụng vào công nghiệp và dịch vụ của TP thì còn rất khiêm tốn, nhưng không thể phủ nhận vai trò tích cực mà nông nghiệp đô thị đóng góp là vấn đề môi trường TP, cũng như đảm bảo đời sống của hơn 1 triệu cư dân nông nghiệp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, giảng viên Đại học RMIT (Úc), nông nghiệp đô thị là nền nông nghiệp không chỉ có mục đích sản xuất nông sản và thực phẩm, mà còn là một nền nông nghiệp bảo vệ môi trường, giữ gìn “buồng phổi” cho TP. Một nền nông nghiệp sản xuất trên diện tích nhỏ nhưng giá trị (đất) cao nên phải đạt năng suất cao nhất có thể, để bù trừ cho giá trị đất đắt đỏ, và hàng hóa phải có chất lượng tốt, an toàn vệ sinh để cạnh tranh tốt với hàng ngoại nhập.
Trước đây, khi nói đến nông nghiệp đô thị thì thường đề cập đến nhà có mái che với phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt, điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng… để tăng năng suất cây trồng. Ngày nay, công nghệ cho nông nghiệp đô thị đã tiến một bước dài, ứng dụng công nghệ tự động, robot, năng lượng mặt trời, ánh sáng LED… Các phương pháp canh tác kiểu như Farm from a box hay Farmbot ở Mỹ, Sundrop Farm ở Úc, hoặc xưởng trồng cây ở Nhật đã tự động hóa và cải thiện hệ thống trồng trọt một cách đáng kể. Đặc biệt, quy mô đất của xưởng trồng cây của Công ty Akarie Saien ở Gifu (Nhật Bản) chỉ có 1.600m2 (trên lô đất 3.000m2) nhưng đã sản xuất được 43.800kg xà lách/năm, thu nhập 219 triệu Yen/năm, tương đương 150 tỷ đồng/ha/năm.
Xưởng rau (vegetable plant) chỉ dùng ánh sáng nhân tạo, thoạt nhìn, như là nhà máy công nghiệp. Bên trong, người làm việc rất ít, máy móc nhiều. Công nhân (nông dân) ăn mặc bít bùng để giữ vệ sinh môi trường, giúp cho rau sản xuất ra hoàn toàn sạch, cung cấp ra thị trường có thể tiêu dùng ngay, không cần phải rửa. Nhờ ứng dụng công nghệ rất cao như vậy, xưởng đã trở thành nơi thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, học tập, tạo nên một ngành du lịch mới: du lịch nông nghiệp đô thị. Như vậy, nông nghiệp đô thị TP không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm tươi mà còn là giải pháp bảo vệ môi trường, giải pháp du lịch và tiến tới giải pháp bền vững, hài hòa về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Mơ về công viên nấm dược liệu
Tiến sĩ công nghệ sinh học Nguyễn Quốc Bình, kiều bào Canada, góp ý TPHCM nên hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển giống cây con; phát triển công nghiệp chế biến hay hỗ trợ sau thu hoạch; phát triển vaccine và áp dụng các dịch vụ xử lý vaccine ngừa bệnh cho công nghiệp nuôi trồng thủy hải sản. Có chính sách hỗ trợ như thuế, lương chuyên gia cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ nghiên cứu các loại vaccine trọng yếu cho vùng sản xuất thủy hải sản vùng phía Nam. Có chiến lược nghiên cứu các giống rau, trái cây bản địa, phân bón hữu cơ phù hợp tạo sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất. Khảo nghiệm các loại giống cây trồng (rau, trái cây) ngoại nhập để tạo ra các loại giống cây có khả năng trồng tại Việt Nam.
Kiều bào Mỹ Tony Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Linh Chi Ông Tiên (tỉnh Bà Rịa - VũngTàu), mong có được chính sách tạo thuận lợi cho người nông dân và nhà đầu tư. Ông ấp ủ dự án công viên thảo dược chuyên về nấm thuốc và nấm sạch, với quy mô 5ha - 10ha. Để làm được, cần sự chung tay và hỗ trợ từ nhiều phía. Việc đầu tư tập trung như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có đầu ra sản phẩm và giải quyết việc làm một cách bền vững hơn. Nhất là việc hình thành mô hình “nhà hàng siêu thị” để sản xuất và tiêu dùng sản phẩm khép kín sẽ cho ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo được uy tín và sự an tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng.
Ông Lâm kiến nghị: Mỗi nơi tập trung phát triển một vài loại nấm (nấm ăn, nấm dược liệu) thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguyên liệu, lao động, hình thành các khu sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu và nhà máy chế biến. Tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, tạo thương hiệu nấm Việt trên thị trường quốc tế; hình thành các liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi trồng, sơ chế, bảo quản và có tiếng nói chung với nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu.
Hình thành mạng lưới thu mua, chế biến nấm, nhằm đảm bảo thuận tiện cho người sản xuất nấm dễ dàng bán sản phẩm trực tiếp cho nhà thu mua, chế biến. Đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa chủng loại, sản phẩm, giảm xuất khẩu thô và qua nhiều khâu trung gian. Đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nấm Việt Nam. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, liên doanh, đầu tư cho người trồng nấm, để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, có thương hiệu.