Hậu quả ghê gớm của hai trái bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki cách đây tròn 70 năm kéo dài đến tận ngày nay.
Nhận thức được vấn đề này, suốt 70 năm qua, thế giới đã nỗ lực ngăn chặn sự tàn khốc của vũ khí hạt nhân và may mắn thay, đã không có thêm vụ ném bom hạt nhân nào trong bối cảnh thế giới trải qua 46 năm chiến tranh lạnh cùng hàng trăm cuộc xung đột lớn nhỏ khác. Những cường quốc có vũ khí hạt nhân nhận thức được rằng một động thái sai có thể tiêu diệt cả loài người.
Thành công mới nhất trong việc ngăn chặn khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân chính là thỏa thuận về hạt nhân giữa 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức với Iran.
Mặc dù vậy, bóng ma của vũ khí hạt nhân vẫn còn đó khi xuất hiện căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây, âm ỉ chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan, chương trình hạt nhân bí mật của Triều Tiên… Gần đây trước áp lực mở rộng về phía Đông của NATO, Nga đã tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân là lực lượng răn đe. Mặc dù Nga và Mỹ đang cố gắng hoàn tất một hiệp ước mới về cắt giảm kho vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ vẫn tiếp tục chi nhiều tỷ USD nâng cấp kho vũ khí hạt nhân. Các quốc gia khác như Pháp tin rằng sự răn đe hạt nhân là thích hợp hơn bao giờ hết. Hồi tháng 2, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng bối cảnh quốc tế không cho phép bất kỳ điểm yếu nào vì vậy thời kỳ răn đe hạt nhân chưa thể kết thúc.
Theo ông Bruno Tertrais, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Paris, Nga và phương Tây dường như bắt đầu vượt qua nỗi sợ hãi về sự tàn phá của vũ khí hạt nhân trong bối cảnh phát sinh căng thẳng mới giữa hai bên.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, 9 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có tổng cộng khoảng 16.300 vũ khí hạt nhân, bất kỳ căng thẳng nào giữa các nước này cũng có thể dễ dẫn tới việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân và khi ấy hậu quả sẽ không thể lường, đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại vũ khí hạt nhân ngày càng hiện đại, sát thương khủng khiếp hơn. Một tên lửa đạn đạo duy nhất mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá gấp 3 lần một quả bom của Mỹ ném xuống Hiroshima hoặc Nagasaki. Đặc biệt hơn là các loại vũ khí hạt nhân khi rơi vào tay các nhóm khủng bố càng trở nên đáng sợ hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif Iran viết trên tờ The Guardian tuần trước cho rằng các khái niệm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt lẫn nhau là “điên rồ” và ông kêu gọi đàm phán về một hiệp ước loại bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định rằng ít nhất là trong tương lai gần, vũ khí hạt nhân sẽ không biến mất vì chúng vẫn được xem như là bảo đảm cuối cùng để bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo LHQ, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân gần đây với Iran cho thấy sự hợp tác giữa các cường quốc mang lại lợi ích về an ninh và hòa bình cho toàn thế giới. Đây là một khởi đầu trong quá trình tăng cường nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân - tuyệt đối cần thiết cho sự tồn tại của con người. Một nền hòa bình cho toàn thế giới là điều không thể dự đoán nhưng hòa bình hạt nhân theo luật pháp quốc tế là điều thế giới cần hướng tới trong thế kỷ 21.
KHÁNH MINH