Nền kinh tế Mỹ chưa sẵn sàng cho lãi suất cao hơn

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 17-9 (giờ Washington, rạng sáng 18-9 giờ Việt Nam) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản. Điều này phù hợp với dự báo của đa số chuyên gia kinh tế khi nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới đang đứng trước nguy cơ giảm phát.
Nền kinh tế Mỹ chưa sẵn sàng cho lãi suất cao hơn

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 17-9 (giờ Washington, rạng sáng 18-9 giờ Việt Nam) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản. Điều này phù hợp với dự báo của đa số chuyên gia kinh tế khi nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới đang đứng trước nguy cơ giảm phát.

Lo ngại về kinh tế toàn cầu

Mức lãi suất từ 0% - 0,25% được FED duy trì từ tháng 12-2008 đến nay. Theo BBC, FED cho biết 9 thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang thuộc FED đã bỏ phiếu ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0% - 0,25%. Thành viên duy nhất không đồng ý của ủy ban này là Jeffrey Lacker do chỉ muốn nâng lên trên 0,25 %.

Ủy ban nói trên ra tuyên bố cho biết, tình hình phát triển kinh tế và tài chính toàn cầu gần đây cho thấy nhiều hoạt động kinh tế còn khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định của FED rõ ràng cho thấy định chế này lo ngại về quyết định của họ ảnh hưởng xấu đến sức mạnh của kinh tế toàn cầu. Theo Reuters, Chủ tịch FED Janet Yellen tại cuộc họp báo sau khi có quyết định của FED cho rằng FED đã từ lâu luôn xem xét đến các chỉ số kinh tế ở Trung Quốc và đến nay chưa thấy khả quan và quan ngại khả năng suy giảm đột ngột hơn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Karissa McDonugh tại Công ty điều hành tài sản Vương quốc Anh, vấn đề lớn ở đây là tình hình quốc tế: lo ngại sự suy giảm kinh tế toàn cầu giữa lúc các bất ổn kinh tế và suy thoái ở Trung Quốc thực sự là nguyên nhân dẫn đến quyết định của FED.

Chờ thêm dấu hiệu tích cực từ kinh tế Mỹ

Theo các nhà kinh tế, chính sách dài hạn của FED là tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp cho đến khi nhiều chỉ số kinh tế của Mỹ tiếp tục cải thiện và tỷ lệ lạm phát của Mỹ chính thức tiếp cận mục tiêu 2%. Lạm phát hiện đang ở mức khoảng 1,2%. FED cho biết họ vẫn muốn có thêm cải thiện trong thị trường lao động, mặc dù số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 là 5,1%, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Thị trường nhà đất mạnh và niềm tin kinh doanh tăng cao, theo FED cũng vẫn chưa đủ. Các thành viên của FED cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho mức lãi suất cao hơn. Ủy ban Thị trường mở của FED sẽ họp lại trong tháng 10 và 12 để tiếp tục xem xét lãi suất.

Theo Mark Zandi, nhà kinh tế tại công ty phân tích Moody, tỷ lệ thất nghiệp, ở mức 5,1%, là mức gần với áp lực gây ra lạm phát hoặc bong bóng tài sản. Ông hy vọng tỷ lệ này có thể xuống dưới 5%, mức độ lành mạnh và ổn định hơn trong vài tháng tới. Tuy nhiên, ông cho rằng việc FED chờ đợi quá lâu trước khi tăng lãi suất sẽ khiến FED sau này phải tăng mạnh lãi suất và khi đó có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tờ Wall Street Journal nhận định với quyết định giữ nguyên lãi suất, FED muốn chờ thêm thời gian để đảm bảo rằng sự hỗn loạn của kinh tế toàn cầu sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ và đồng USD đã giảm giá phiên đóng cửa ngày 17-9. Ngược lại, thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á và các thị trường mới nổi tăng điểm trong ngày 18-9. TTCK Hàn Quốc tăng thêm 0,05%, TTCK Hồng Công tăng 0,63%, Thượng Hải tăng hơn 0,33% và Sydney tăng hơn 0,3%. Ngoại trừ TTCK Tokyo giảm 1,28%. 1 USD đổi được 120 yen Nhật so với mức 120,90 yen trước đó. USD cũng xuống giá so với đồng EUR khi 1 EUR đổi được 1,1405 USD so với 1,1302 USD một ngày trước đó. Đồng ringgit Malaysia tăng 0,6% và đồng dollar Singapore tăng 0,15% so với USD. Sau quyết định của FED, giá dầu thô nhẹ của Mỹ giảm 25 cent, còn 46,90USD/thùng, dầu thô biển Bắc của Anh giảm 50 cent, còn 49,25 USD/thùng.

THỤY VŨ (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> FED giữ nguyên lãi suất

Tin cùng chuyên mục