Nên nhất quán chủ trương

Xã hội hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có hoạt động cấp nước sạch đã được TPHCM triển khai từ cách nay hơn 10 năm. Hiện nay, khoảng 1/3 trong hơn 1 triệu m³ nước/ngày cung cấp cho người dân thành phố là nước sạch được sản xuất từ các nhà máy nước hình thành từ chủ trương xã hội hóa. Nhà máy nước BOO Thủ Đức cung cấp 300.000m³/ngày và Nhà máy nước BOT Bình An cung cấp khoảng 100.000m³/ngày.

Xã hội hóa cấp nước

Xã hội hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có hoạt động cấp nước sạch đã được TPHCM triển khai từ cách nay hơn 10 năm. Hiện nay, khoảng 1/3 trong hơn 1 triệu m³ nước/ngày cung cấp cho người dân thành phố là nước sạch được sản xuất từ các nhà máy nước hình thành từ chủ trương xã hội hóa. Nhà máy nước BOO Thủ Đức cung cấp 300.000m³/ngày và Nhà máy nước BOT Bình An cung cấp khoảng 100.000m³/ngày.

Sắp tới đây, mỗi ngày TPHCM sẽ được cung cấp thêm 300.000m³ nước. 300.000m³ nước này sẽ được sản xuất ở Nhà máy nước Tân Hiệp 2 do một liên doanh gồm các nhà đầu tư thuộc nhiều thành phần kinh tế góp vốn xây dựng. Dự án xây dựng Nhà máy nước Tân Hiệp 2 đang trong giai đoạn triển khai thực hiện và sẽ hoàn thành trong hơn 1 năm nữa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận trong khâu phát triển nguồn cung cấp nước thì khâu phát triển hệ thống mạng cung cấp nước, quản lý hệ thống mạng và chống thất thoát nước hầu như chưa có gì. Đầu tư phát triển mạng và quản lý hệ thống mạng thường tốn rất nhiều chi phí và công sức nên các doanh nghiệp không mặn mà. Chính vì vậy, chủ trương của UBND TPHCM giao cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước (HFIC) được tham gia quản lý và chống thất thoát nước tại 3 vùng 4, 5, 6 ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của hầu hết các sở, ngành trong thành phố.

Theo phương án đầu tư đã được CII và HFIC trình UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan, CII và HFIC sẽ bỏ chi phí đầu tư quản lý hệ thống mạng cấp nước tại các quận, huyện trên và họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ việc chống thất thoát nước. Người dân trong khu vực 4, 5, 6 vẫn chỉ phải trả tiền nước như quy định của UBND TPHCM. Lợi ích đối với TPHCM khi cho CII và HFIC tham gia quản lý mạng cấp nước là không phải bỏ kinh phí duy tu, sửa chữa hệ thống mạng này. Hiện nay, quản lý mạng cấp nước ở đây là Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco). Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, bên cạnh chi phí của Sawaco, hàng năm ngân sách thành phố vẫn phải dành một khoản tiền nhất định hỗ trợ Sawaco duy tu, sửa chữa hệ thống mạng cấp nước.

Thế nhưng, dự án quản lý mạng cấp nước tại 3 vùng đang được triển khai thì thành phố lại yêu cầu CII và HFIC chỉ làm thí điểm quản lý hệ thống mạng thuộc Công ty TNHH MTV Trung An quản lý. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tân Hòa sẽ cổ phần hóa. Thông tin này đã làm cho các nhà đầu tư bất ngờ bởi bài toán kinh tế của cả dự án đã được nghiên cứu, tính toán từ hơn 1 năm nay từ khi được ngành chức năng cho phép. Sự thay đổi này thực sự đẩy nhà đầu tư vào thế khó. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sở dĩ có sự thay đổi này là do các công ty nêu trên đã có tên trong danh sách phải cổ phần hóa từ năm 2012. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết, sau khi nhận được sự đồng tình ủng hộ của các sở, ngành liên quan, Sở Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị UBND TPHCM “cho phép chuyển đổi hình thức sắp xếp doanh nghiệp từ cổ phần hóa sang hình thức bán doanh nghiệp đối với hai công ty nêu trên”. Bởi lẽ, nếu cổ phần hóa, nhà nước vẫn phải góp một phần vốn trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Giải pháp nào sẽ được thành phố chọn? Thiết nghĩ, một chủ trương nhất quán cho nhà đầu tư nên được tôn trọng, nhất là khi chọn giải pháp này, nhà nước lại không tốn kinh phí. Hơn nữa, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, nhà nước sẽ thu được thuế thay vì đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục