Nên nuôi cua biển

Nên nuôi cua biển

Ở nước ta, những vùng duyên hải như Cần Giờ không nên bỏ qua việc nuôi cua biển.Phong trào nuôi cua biển của ta khởi đầu từ những năm 1990-1991.

Nên nuôi cua biển ảnh 1

Lúc đó, bà con toàn nuôi theo kinh nghiệm vì chưa có tài liệu hướng dẫn. Năm 1993, tôi cùng kỹ sư Phạm Ngọc Đẳng đã hợp sức viết cho Nhà xuất bản Nông nghiệp cuốn Kỹ thuật nuôi cua biển. Đấy là cuốn sách đầu tiên hướng dẫn nuôi cua biển ở Việt Nam. Tới nay, đã có rất nhiều tài liệu về nuôi cua biển. Do đó nếu muốn nuôi, bà con có vô vàn tài liệu để tham khảo.

Thời trước, đã có ai sản xuất được cua giống đâu! Toàn bộ con giống phải đi vớt ở các cửa sông, các bãi sú vẹt ven bờ. Tới nay, Việt Nam đã hoàn toàn sản xuất được cua giống. Ngay cả thị trường cũng khác xa ngày xưa. Bây giờ, TPHCM rộng lớn hơn nhiều, nhà hàng mọc lên như nấm… Vì vậy, cua biển làm sao ế được! Chỉ có điều, khi bà con nuôi thì phải nắm chắc kỹ thuật, tính toán kỹ mọi khâu, tránh mọi rủi ro để đạt năng suất tốt. Người tiêu dùng luôn ngưỡng mộ cua biển. Thịt cua biển ngon, bổ, dễ tiêu và chế biến được thành rất nhiều món ăn như: cua luộc, cua rang muối, chả cua, nem cua, súp cua… Người ta còn dùng bột cua để cho vào bánh phồng tôm, bột ngọt, mì ăn liền và cả các loại mắm cao cấp. Ta có thể bán cua ở dạng cua sống, cua đóng hộp hoặc cua lột chín đông lạnh.

Loài cua biển mà chúng ta đang nuôi là loài cua xanh (hay còn gọi là cua sú, cua bùn, cua bơi…). Nó sống ở vùng nước lợ. Chỉ tới mùa sinh sản nó mới bơi ra biển, tìm tới chỗ nước có độ mặn tới 33‰ (tức là 1 lít nước có tới 33g muối) để đẻ. Nhiệt độ thích hợp lúc đó phải từ 18-250C.

Thức ăn của cua biển là các loại rong, tảo, giáp xác hay mảnh vỏ, tôm, cá… Ở Tuy Hòa, bà con còn nuôi giun quế và cấp cho cua ăn. Chúng lớn nhanh lắm!

Nhưng khi nuôi, trước hết chúng ta phải nắm chắc các tập tính của cua biển. Chúng đào hang rất khỏe; một con có thể đào nhiều hang. Khi có động, chúng chui ngay vào hang. Mặt khác, chúng có thể đào hang để tẩu thoát. Đặc biệt tới mùa sinh sản, cua háo hức trở về với biển khơi. Vì vậy, chúng tìm mọi cách để vượt rào.

Cua còn có một tập tính tàn ác là ăn thịt lẫn nhau. Khi thiếu thức ăn, nó có thể xông vào cắn xé và ăn thịt đồng loại. Đặc biệt, khi  tranh giành con cái, các con đực có thể chiến đấu hết mình, cắn xé nhau tơi bời. Và khi thua hoặc khi gặp kẻ thù, nó có thể dứt bỏ một phần cơ thể để tẩu thoát… Tất cả những điều đó, bà con mình phải nắm vững.

Cua chỉ có thể nuôi ở vùng nước lợ, độ mặn thích hợp nhất là từ 15-25‰. Nước phải sạch, không bị ô nhiễm và được thay tháo định kỳ. Ta phải có tường bao hoặc rào chắn xung quanh để tránh cua vượt ra. Phải có hệ thống mương cấp và mương thoát nước riêng để tránh việc lây lan bệnh tật. Từ mương, phải có cống riêng thông với ao để chủ động nguồn nước. Bờ ao phải chắc chắn. Nếu xây được bờ bằng xi măng thì tốt nhất. Trong ao nên có giàn để khi nắng to, ta có thể căng bạt hoặc rải lá dừa lên trên để che bớt nắng cho cua.

Ta cũng phải hết sức lưu ý tới nguồn thức ăn sẽ cung cấp cho cua. Phải có kế hoạch để tự sản xuất hoặc mua thức ăn cho cua ở đâu. Cũng phải luôn luôn chú ý tới việc phòng và chống dịch bệnh. Hàng ngày, phải quan sát để theo dõi đàn cua. Cần phát hiện bệnh sớm để kịp thời xử lý.

N.L.H.

Tin cùng chuyên mục