Nét đẹp đời thường trên những trang báo

Vậy là đã khép lại một cuộc thi văn học, hẳn nhiều người nghĩ văn học đồng nghĩa với tưởng tượng, chuyển tải những ước mong. Thế nhưng, ở cuộc thi “Ký văn học Chân dung người đương thời” do Báo SGGP và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, bạn đọc lại không thể tìm thấy sự mơ mộng mà bao trùm lên tất cả là những nét đẹp của đời thường. Những nét đẹp có lúc tưởng chừng đã che lấp giữa bộn bề của cuộc sống hôm nay.
Nét đẹp đời thường trên những trang báo

Vậy là đã khép lại một cuộc thi văn học, hẳn nhiều người nghĩ văn học đồng nghĩa với tưởng tượng, chuyển tải những ước mong. Thế nhưng, ở cuộc thi “Ký văn học Chân dung người đương thời” do Báo SGGP và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, bạn đọc lại không thể tìm thấy sự mơ mộng mà bao trùm lên tất cả là những nét đẹp của đời thường. Những nét đẹp có lúc tưởng chừng đã che lấp giữa bộn bề của cuộc sống hôm nay.

        Người tốt ở quanh ta

Cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trước khi mất đã để lại cho sân khấu kịch Việt Nam nhiều tác phẩm để đời, trong đó có vở kịch Người tốt nhà số 5. Vở kịch đã phản ánh một thực tế, khi người ta sống với đủ mọi mưu toan thì lòng tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng phai nhạt dần đi. Thế nhưng, cuộc sống đâu chỉ có toàn những mưu mô thủ đoạn, những lừa lọc gian trá. Cuộc sống vẫn còn đó những tấm lòng, những con người mà những việc làm của họ xứng đáng với hai chữ “Người tốt”.

“4 câu chuyện lạ trong một gia đình lính” (Tô Hoàng) đoạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: AN DUNG

“4 câu chuyện lạ trong một gia đình lính” (Tô Hoàng) đoạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: AN DUNG

Cuộc thi Ký văn học “Chân dung người đương thời” được tổ chức cũng chỉ với mong muốn tìm kiếm, nêu lên những câu chuyện người tốt để từ đó nhắc nhở rằng xung quanh ta vẫn còn đó những tấm gương tốt đẹp. Đó có thể là câu chuyện về gia đình đại tá Lê Bá Ước qua lời kể của nhà văn Tô Hoàng, với tác phẩm Bốn câu chuyện lạ trong một gia đình lính.

Đại tá Lê Bá Ước là một nhân vật nổi tiếng với những chiến công của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác mà ông là Đoàn trưởng. Nhưng mấy ai biết sau những chiến công hào hùng và bi tráng của người lính là một gia đình bình dị như muôn ngàn gia đình Việt Nam khác. Qua những câu chuyện riêng của mỗi người trong gia đình này, đã làm nổi bật lên những đau thương mất mát của chiến tranh và tấm lòng cao cả của họ.

Hơn nửa thế kỷ chiến tranh để lại cho đất nước nhiều mất mát, đau thương. Những vết thương vẫn đang làm cho con người nhức nhối nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở trách nhiệm của người còn sống. Đó là điều mà bài ký Sau những đêm trắng của tác giả Nguyễn Hữu Quí muốn nhắn gửi thông qua câu chuyện của chị Nguyễn Thị Nga, cô em út của tiểu đội du kích 11 người tham gia trận đánh Mậu thân 1968 tại Huế. Hơn phân nửa trong đó đã vĩnh viễn nằm lại và những người còn sống dù hơn 40 năm đã qua, dù bề bộn cuộc sống vẫn mãi mãi ghi nhớ về họ.

Chiến tranh đã qua, cuộc sống hôm nay tiếp diễn với những công việc xây dựng, hiện đại hóa đất nước. Tác giả Hàm Châu qua bài viết Non nhà vạn dặm xa đã kể về nhà khoa học Việt Nam Nguyễn Trọng Hiền, nghiên cứu viên của NASA (Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ). Những câu chuyện khoa học được kể một cách đầy hấp dẫn nhưng cũng không kém phần chân thực, đưa bạn đọc đến những khó khăn của các nhà nghiên cứu, có thể thấu hiểu gian nan của các nhà khoa học để có thể đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Rồi còn đó những người tốt trong nhiều lĩnh vực khác như ngành y với hình ảnh người bác sĩ Mổ với tâm thế của người mẹ cứu con (tác giả Phạm Thục) hay câu chuyện Cứu dân trong mùa lũ Tây Nguyên (Phú Hưng) về cứu người trong trận lụt tháng 8-2007 của thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễm. Những câu chuyện kể đã đưa bạn đọc đến với những người tốt, những người tốt vẫn đang hiện diện quanh ta.

Đọng lại sau một cuộc thi

Hơn 170 bài viết dự thi, gần 60 tác phẩm được đăng báo trong suốt một năm. Không phải ngẫu nhiên nhà văn Lê Văn Thảo đã thốt lên: “Cuộc thi đã tạo nên cả một vệt thông tin sâu đậm trên trang báo, giữa những thông tin dày đặc về các tiêu cực của cuộc sống, câu chuyện những người tốt đã đem đến cho bạn đọc niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống hôm nay”.

Nhà văn Trần Văn Tuấn nhận xét về Cuộc thi Ký chân dung văn học dưới một góc độ khác. Ông cho rằng ‘Cuộc thi đã nêu bật lên những hào kiệt đương thời, những hào kiệt của thời đại ngày nay đang tiếp bước những hào kiệt của quá khứ”.

Rồi còn những nhận xét của bạn đọc, những người đã theo dõi những câu chuyện về các tấm gương người tốt được chuyển tải qua từng trang báo chủ nhật. Những câu hỏi về các nhân vật được miêu tả trong những bài viết, sự chia sẻ, những lời thăm hỏi và sau đó là những bài viết tham dự dồn dập đổ về. Tất cả đã cho thấy lòng tốt vẫn là một điều thiêng liêng được tôn trọng nhất trong cuộc sống ngày nay.

Đã là cuộc thi, sẽ có tác phẩm đoạt giải, có tác phẩm không, nhưng với hơn 170 tác phẩm tham dự, tất cả đều thành công, thành công khi đem đến cho bạn đọc hôm nay những câu chuyện nhỏ về những người tốt, những tấm gương hào kiệt đương thời và từ đó, gieo trong lòng bạn đọc những hạt mầm của lòng nhân ái, những hạt mầm hứa hẹn sẽ đem đến cho cuộc sống hôm nay ngày càng nhiều những điều tốt đẹp. Đó cũng là những gì mà những người tố chức cuộc thi mong muốn nhất và cũng là những gì mà các tác giả tham dự cuộc thi hy vọng nhất. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục