
Những điển hình sản xuất giỏi và các mô hình mới trong ngành nông nghiệp ở TPHCM hầu như đều có nguồn là những “kỹ sư” chân đất, mộc mạc nhưng nhiều khát vọng đổi đời. Chính vì thế dù đa số đều gặp phải thất bại ban đầu, nhưng với ý chí vươn lên, họ đã tìm mọi cách để đi đến thành công.
Sản xuất nông nghiệp tại TPHCM giờ đây không còn đơn giản và thuận lợi như trước. Các yếu tố về thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, sâu bệnh phát sinh đột xuất, diện tích đất đai dành cho nông nghiệp ngày một giảm, môi trường lại bị ô nhiễm nhiều hơn, giá cả vật tư đầu vào hầu như chỉ có tăng lên, trong khi giá bán trồi sụt thất thường.
Khó nhất vẫn là yêu cầu thị trường luôn thay đổi, nhu cầu của người tiêu dùng theo hướng đòi hỏi ngày càng cao hơn. Nhưng người nông dân TP không chịu bó tay khi hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn với nhiều phương cách khác nhau.

Trồng lan, một nghề đem lại thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: THÁI BẰNG
Trong lĩnh vực trồng trọt, từ chủ trương giảm diện tích trồng lúa năng suất thấp chuyển sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn, đã mở ra hướng trồng lan cắt cành, cây kiểng, trồng hoa nền, làm kiểng bonsai được coi là sôi nổi và có kết quả khả quan nhất, bởi phù hợp với hướng phát triển của nền nông nghiệp đô thị.
Nếu trước đây TP chỉ có một vài vườn lan ở một hai huyện, quận thì bây giờ đã lan rộng ra các hộ dân ở nhiều quận huyện (kể cả Nhà Bè và Cần Giờ là những nơi trước đây khó mà nghĩ là trồng lan được tốt) với nhiều quy mô vườn, nhiều loại giống lan khác nhau mà phổ biến nhất vẫn là loài Mokara, Dendrobium trồng chậu hay cắt cành.
Những hộ nông dân trồng lan đa phần trước đó đều trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, cuộc sống khá vất vả nhưng giờ đây nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ lan. Họ không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà còn hướng dẫn cho người khác cùng làm, giúp giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Đó là vườn lan Gia Huy, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân của ông Trần Văn Bạch, hay như những vườn lan của các ông: Kiều Lương Hồng (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), Huỳnh Văn Hùng (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), Thân Chiến (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), Trần Văn Xê (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) và nhiều hộ nông dân khác chuyên trồng mai kiểng, bonsai, hoa sứ, xương rồng ở Thủ Đức, quận 9, 2, 12, Gò vấp… Đó là những mô hình tiêu biểu đang được nhân rộng ở các địa phương.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến việc trồng rau mầm của các hộ dân ở các phường của quận Bình Tân như: An Lạc, Tân Tạo, Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông. Trong số này mô hình trồng rau mầm của hộ ông Quách Vĩnh Tấn (phường An Lạc, Bình Tân) với hệ thống kệ sắt lưu động xếp chồng các khai rau mầm, sử dụng 10 công nhân/ngày, thu lợi gần 750.000 đồng/ngày đang được nhiều nông dân học tập.
Ngoài ra, các lĩnh vực nuôi trồng khác cũng có nhiều nông dân đang làm ăn rất hiệu quả như: ông Nguyễn Văn Một (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, nuôi ba ba trên cạn), ông Trần Văn Muông (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, nuôi cá kiểng), ông Huỳnh Văn Út (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, nuôi dế), ông Nguyễn Đình Trung (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, nuôi trùn quế), ông Nguyễn Văn Ký (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, nuôi gần 200 con heo rừng), ông Diệp Văn Thanh (Củ Chi, nuôi dế), ông Đoàn Văn Sâm (Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, nuôi côn trùng làm mồi nuôi chim), ông Nguyễn Văn Huệ (ngã 3 tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi, nuôi hàng chục loại động vật rừng làm giống, chủ yếu là nuôi nhím và rùa).
Đặc biệt phải nói đến hộ ông Tống Hữu Châu (Thạnh Xuân, quận 12) chuyên nuôi cá dĩa, cá chép Nhật, cá vàng… để xuất khẩu sang các nước Nhật, Pháp, Mỹ…
Đó chính là những dạng hình phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, góp nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có kết quả và thích ứng với điều kiện sản xuất mới, diện tích nhỏ nhưng giá trị sản xuất lại cao khi đô thị phát triển nhanh.
ĐẶNG VĂN THÀNH
(Phó Ban Chỉ đạo Nông nghiệp nông thôn TPHCM)