Nữ họa sĩ Lim Khim Katy

Nét vẽ nồng ấm về người lao động

Nét vẽ nồng ấm về người lao động

Sinh năm 1978 ở TPHCM, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2001, cô họa sĩ trẻ đã mất nhiều thời gian, lận đận trong công việc mưu sinh. Năm 2003, được bạn bè khích lệ, Lim Khim Katy trở lại nghề vẽ với những cảm xúc mạnh mẽ dội lên từ cuộc sống và cả sự nỗ lực bứt phá trong hội họa…

Nét vẽ nồng ấm về người lao động ảnh 1

“Nắng quê”, tranh sơn dầu.

Lim Khim Katy mê học vẽ từ năm 14 tuổi. Tuy gia đình có truyền thống nghề vẽ nhưng cô bé Katy chỉ dám đứng đằng sau cánh cửa “học lóm” từng nét cọ vờn lên, vờn xuống nhả ra những sắc màu kỳ diệu từ bàn tay tài hoa của người cha (ba cô gốc gác ở Campuchia, theo gia đình định cư ở Việt Nam từ năm 1970).

Lần đầu tiên bắt gặp những bức tranh của Lim Khim Katy qua các cuộc triển lãm, người xem hơi bất ngờ trước một bút pháp mạnh mẽ, thể hiện những gam màu trầm, giản dị nhưng thật hào phóng, gợi tả. Tranh Katy thường mô tả những người lao động, những nét sinh hoạt trong đời thường của một người đạp xích lô, người chạy xe ôm, người thợ phụ hồ các công trường xây dựng, những người phụ nữ làm lụng cực nhọc ở nông thôn…

Trong “họa bản” của Katy, ngoài chân dung, dáng vẻ thể hiện tâm trạng, tính cách ở một con người, hình tượng chén cơm luôn được cô mô tả qua nhiều tác phẩm, tượng trưng nỗi bươn chải nhọc nhằn của người lao động trong chuyện kiếm tìm miếng cơm, manh áo.

Một loạt tranh dễ làm người xem đau đáu cùng tâm trạng với nhân vật, cảm thông cùng nỗi vất vả của họ qua Những bữa cơm muộn, Về muộn, Bạn cũ, Lo, Chén trắng… (năm 2003, tác phẩm Chén trắng cùng lúc đã nhận được Giấy khen danh dự Hội Mỹ thuật Việt Nam khu vực TPHCM; Tặng thưởng Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Giải ba triển lãm Ánh mắt trẻ của Pháp).

Nét vẽ nồng ấm về người lao động ảnh 2

“Phụ nữ da vàng”, tranh sơn dầu.

Nhưng, trong tranh Katy không hẳn chỉ có nỗi buồn, thỉnh thoảng cô cũng mô tả hình ảnh khá hóm hỉnh của những người thợ đang sôi nổi bàn chuyện phiếm thế sự qua bức Chuyện đàn ông. Bức Những ngày nắng cũng là sự bộc lộ nhiều niềm vui và hy vọng của những người thợ qua mảng màu vàng, đỏ sậm nồng ấm và khoảng không gian sáng đầy hứa hẹn…

Thỉnh thoảng Katy vẽ về những người phụ nữ lao động ở nông thôn: Nắng quê, Phụ nữ quê, Chén thiêng 1, Giấc mơ… Gần đây nhất, bức Phụ nữ da vàng (tặng thưởng mỹ thuật khu vực TPHCM 2005 của Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Những khung ngăn tạo bố cục, kiểu tranh tố nữ xưa tưởng rất quen nhưng được “lạ hóa” qua hình ảnh những người phụ nữ phương Đông hiện đại.

Lặng lẽ và đam mê vẽ. Nhiều ý tưởng mới đến ngồn ngộn được Katy chuyển tải phong phú vào tranh. Chọn cho mình một hướng đi độc lập và tự tìm kiếm cách thể hiện riêng một cách từ tốn, không hề làm bộ làm tịch, Katy đang tự thoát dần những khuôn khổ trường quy và vượt lên chính bản thân mình một cách sáng tạo. Hiện nay, dù mới bước vào làng hội họa không lâu, nhưng tranh Katy đã tạo được sự rung cảm đến người xem bằng những tác phẩm sơn dầu có hồn, có tình của một tài năng trẻ. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục