
Nếu như bản đánh giá TTCK Việt Nam của Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) đã khiến thị trường có hai ngày đỏ rực thì phiên giao dịch ngày hôm qua, 4-7 sự quay đầu của VN Index với mức tăng vọt 36,26 điểm, lên 1013,56 điểm đã chứng minh được bản lĩnh của nhiều NĐT qua đợt rớt giá ở hai phiên đầu tuần.

Các nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại sàn VDSC. Ảnh: Cao Thăng
Thị trường khởi động bằng phiên đầu tuần không thật suôn sẻ: chỉ 4 mã tăng giá (IMP tăng 6 ngàn đồng, TAC tăng 1,5 ngàn đồng, RHC tăng 500 đồng và SFN tăng 200 đồng). Sắc đỏ tràn ngập với 98 mã rớt giá đã khiến cho bảng điện tử phiên này đỏ rực.
Do tất cả các “đại gia”, các CK có tầm ảnh hưởng mạnh đến VN Index đều rơi vào nhóm rớt giá nên VN Index giảm mạnh, mất hơn 30 điểm, rơi khỏi ngưỡng 1000 và chỉ còn 994,17 điểm khi phiên giao dịch kết thúc. Thị trường lộ hẳn xu hướng đẩy hàng ra với lượng cung đạt gần 12,6 triệu CK trong khi lượng cầu ở mức chỉ 7,3 triệu CK.
Lượng CP giao dịch vì thế cũng tăng mạnh, đạt khoảng 5,5 triệu CP và chủ yếu được khớp ở giá sàn. Xu hướng bán ra tiếp tục ảnh hưởng đến phiên giao dịch kế tiếp, tức phiên ngày 3-7 khiến cho thị trường có thêm một ngày đỏ nữa với 85 mã giảm giá, VN Index tiếp tục mất thêm gần 17 điểm, còn 977,3 điểm. Tuy nhiên, ở phiên này nhóm tăng giá (12 mã) đã có sự xuất hiện của một số “đại gia”, một số CP chủ chốt. Cán cân lực lượng giữa cung và cầu cũng đã gần như cân bằng với sức mua 9,7 triệu CK và sức bán 9,5 triệu CK. Lượng CP tiếp tục được giao dịch ở mức trên 5,5 triệu CP.
Trái ngược hẳn với phiên đầu tuần, phiên giao dịch ngày hôm qua là sự bùng nổ của tất cả các CP “đại gia”. Trong đó, FPT, KDC tăng 9 ngàn đồng, VNM, SJS tăng 8 ngàn đồng, PVD, REE, SAM tăng 7 ngàn đồng, GMD tăng 6 ngàn đồng, STB tăng 3 ngàn đồng, PPC tăng 2,5 ngàn đồng… đã đưa VN Index tăng dần qua từng đợt khớp lệnh, vượt lại mốc 1.000 điểm và chốt ở mức 1013,56 điểm khi kết phiên. Tổng cộng, toàn thị trường có 98 mã tăng giá, 10 mã đứng giá và chỉ 6 mã giảm giá. Lượng giao dịch giảm chỉ còn 4,7 triệu CP.
Theo một số chuyên gia và nhà phân tích CK trong nước, xu hướng tăng cao và giảm sâu của CK qua 3 phiên giao dịch đầu tuần là do NĐT bị ảnh hưởng tâm lý từ bản đánh giá về tương lai không sáng sủa của TTCK Việt Nam do HSBC công bố hồi cuối tuần qua. Bản đánh giá này cho rằng chỉ số P/E của sàn TPHCM và Hà Nội đều quá cao và sẽ được điều chỉnh giảm, do vậy chỉ số VN Index sẽ ở mức khoảng 900 điểm vào cuối năm nay. Không những NĐT trong nước bị hoang mang mà NĐT ngoại cũng bị ảnh hưởng (bán ra khối lượng lớn chứng chỉ quỹ PRUBF1 và VFMVF ) đã dẫn đến chuyện “tháo chạy” ở ngay phiên đầu tuần và phiên kế tiếp. Tuy nhiên, giá cả rớt sàn hàng loạt đã mở ra cơ hội mua vào cho khá nhiều NĐT nên hai phiên VN Index đi xuống, lượng CP khớp lệnh tăng vọt (hơn 5,5 triệu CP/phiên) và khi VN Index tăng điểm trở lại thì lượng CP giao dịch lại trở về với mức 4,7 triệu CP/phiên.
Đỗ Doãn