
Trong khi các thành viên của WTO đang tranh cãi kịch liệt về thỏa thuận Doha do những bất đồng trong các khoản trợ cấp nông nghiệp, thì từ nhiều năm nay nông dân ở New Zealand không hề được hưởng trợ cấp, nhưng vẫn ăn nên làm ra…

Ngồi xem cỏ mọc được xem là một chuyện nực cười, nhưng đối với những nông dân nuôi bò sữa như ông Malcolm Lumsden, thì điều này hoàn toàn bình thường. Bò biến cỏ thành sữa và trong khi các nông dân nuôi bò ở Hoa Kỳ và châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào ngũ cốc để nuôi đàn bò, thì ở New Zealand nông dân chỉ cần cỏ là đủ. Cỏ càng nhiều và càng tốt thì sữa cũng càng tốt và càng nhiều. Những người nông dân ở New Zealand theo dõi kỹ số cỏ trên bãi chăn của họ, đo đạc chính xác lượng protein và đường có trong cỏ, thiết lập biểu đồ để theo dõi lượng cỏ dùng nuôi bò trong các mùa. “Đó là khoa học” -Lumsden nói.
Nghề nuôi bò sữa ở New Zealand không phải lúc nào cũng công phu như thế này. Nhưng từ khi chính phủ bỏ các khoản trợ cấp đối với nông dân (năm 1984), một điều mà các chính phủ những nước phát triển khác cho là không thể, ngành nông nghiệp ở đây bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, là huyết mạch của nền kinh tế New Zealand. Cừu và bò nhiều hơn người và thịt, sữa, lông của chúng đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Hầu hết nông trại vẫn dưới hình thức sở hữu gia đình, nhưng thu nhập và sản lượng đã cao hơn trước nhiều lần. “Nghề nông ở New Zealand bây giờ tuy vất vả nhưng là một ngành kinh doanh hiệu quả ” -Lumsden nói. Nông dân New Zealand hiện nay đều tin rằng việc bỏ qua hay ít nhất là cắt giảm phần lớn trợ cấp nông nghiệp là một chính sách hay.
Việc New Zealand và Australia (nước cũng cắt giảm trợ cấp nhưng không nhiều) đang được các nhà kinh tế thế giới tán dương như những hình mẫu cho Hoa Kỳ và các nước châu Âu noi theo. “Việc kết thúc đột ngột chương trình trợ cấp nông nghiệp gây khó khăn cho các nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng chính sách này đang ngày càng tỏ ra là một chính sách hay và lành mạnh” -Giáo sư Ray Goldberg nói.
Các nhà kinh tế cho rằng những trợ cấp truyền thống thường khiến nông dân ỉ lại, từ đó trồng nên những vụ mùa không có lãi và ở dưới xa mức yêu cầu thực thụ của người tiêu dùng. Vì vậy, nông dân ở các nước có trợ cấp nông nghiệp, đặc biệt những nước nghèo, sẽ không thể cạnh tranh với nông dân ở các nước phương Tây. Dỡ bỏ trợ cấp sẽ khiến người nông dân bất cứ nơi đâu trên thế giới làm việc hết sức mình để tạo ra các sản phẩm thực sự cần thiết cho thị trường. “Khi sản phẩm của bạn làm ra không còn được trợ cấp, bạn sẽ phải tìm mọi cách tăng số lượng và chất lượng sản phẩm đó, thì mới tồn tại và phát triển được” - Charlie Pedersen Chủ tịch Hiệp hội Nông dân New Zealand, nói.
Không có trợ cấp của chính phủ, nông dân New Zealand đã tìm nhiều cách để đối phó với sự lên xuống của thị trường. Năm 2001, họ đã sáp nhập 2 doanh nghiệp đối thủ lại để hình thành một doanh nghiệp thương mại xuất khẩu, gọi là Fonterra. Điều này giúp họ đứng vững và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mô hình Fonterra cũng khuyến khích các phát minh và phát triển sản phẩm, chẳng hạn nông dân New Zealand đã trở thành những nhà cung cấp hàng đầu của loại sữa chống béo cho thị trường thức ăn lành mạnh và các nhà sản xuất dược phẩm.
Vinh Trang (Theo IHT)