(SGGPO).- Chiều 22-12, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học thông tin kết quả sau chuyến khảo sát trên biển dài ngày vừa kết thúc cùng các nhà khoa học thuộc Phân viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Theo Viện Khoa học Việt Nam, hội thảo lần này tập trung thảo luận về những kết quả sau chuyến khảo sát của các nhà khoa học 2 nước trên tàu “Viện Sĩ Oparin” của Viện Hàn lâm Khoa học Nga từ ngày 20-11 đến 21-12.
Vào chiều ngày 21-12, tàu Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm khoa học Nga đã cập cảng Nha Trang. Đây là chuyến khảo sát lần thứ 5 được hợp tác của 2 Viện Hàn lâm.
Tàu Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm khoa học Nga cập cảng Nha Trang sau chuyến khảo sát
Trong chuyến khảo sát tròn 1 tháng qua, các nhà khoa học tập trung thu thập nhiều tư liệu về đa dạng sinh học và cấu trúc quần xã sinh vật; mẫu vật phục vụ nghiên cứu hóa sinh và môi trường. Phạm vi đợt khảo sát lần này từ vùng biển tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận với các điểm khảo sát phân bố từ lân cận các đảo đến độ sâu 400m.
Sau chuyến khảo sát, các nhà khoa học Việt Nam và Nga cùng nhau phân tích mẫu vật, nghiên cứu chuyên đề và công bố các tài liệu khoa học về các lĩnh vực như: đa dạng sinh học biển, chú trọng đối với vùng biển sâu; sinh thái rạn san hô và khả năng tái tạo tự nhiên của san hô tạo rạn; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm; đa dạng và hoạt chất sinh học trong vi sinh vật; sàng lọc các chất hoạt tính trong động vật thân mềm, hải miên, da gai, san hô mềm và rong biển; đánh giá hoạt tính của một số hoạt chất sinh học trong động vật không xương sống ở biển Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu y – sinh – dược học và nghiên cứu đặc tính quang học và chất lượng môi trường nước vùng biển miền Trung.
Chuyến khảo sát này nhằm tăng cường hợp tác đối tác giữa Nga và Việt Nam, đặc biệt là giữa Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Phân viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhằm phát triển khoa học – công nghệ và đào tạo cán bộ nghiên cứu về biển cho phía Việt Nam.
Văn Ngọc