Nga - EU đối mặt thử thách mới

Nga - EU đối mặt thử thách mới

Ngay sau khi các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 29-1 nhất trí bổ sung thêm những cái tên mới vào danh sách trừng phạt và nghiên cứu khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã chỉ trích điều này là vô căn cứ. Một số nước châu Âu cũng phản đối quyết định này của EU.

EU dùng tiêu chuẩn kép

Hãng tin Nga TASS dẫn lời Đại diện thường trực Nga tại EU Vladimir Chizhov khẳng định, quyết định mới của EU liên quan tới trừng phạt Nga đang đặt thêm thử thách cho quan hệ hợp tác giữa hai bên, cho thấy EU một lần nữa đã bỏ qua cơ hội thoát khỏi lối mòn của sự nhận thức máy móc giản đơn về tình hình miền Đông Ukraine, việc gây áp lực bằng trừng phạt với Nga, cũng như việc tiếp nhận thông tin thực tế hoàn toàn một chiều.

Theo ông V.Chizhov, nội dung văn kiện cuộc họp ngoại trưởng EU chỉ trích Nga một cách vô căn cứ mà không hề nhắc đến trách nhiệm của Kiev gây ra cuộc chiến đẫm máu ở miền Đông Ukraine. Những lý lẽ của EU để phản ứng trước tình hình leo thang căng thẳng ở miền Đông Ukraine là hoàn toàn sai lầm, thể hiện “tiêu chuẩn kép” trong quan điểm của tổ chức này. Nhà ngoại giao Nga khẳng định Mátxcơva đã, đang và sẽ không thương lượng với EU về các biện pháp trừng phạt, vì đây là quyết định đơn phương của tổ chức này.

Lực lượng ly khai ở Donetsk bắn súng cối về phía quân chính phủ Ukraine.

Trong khi đó, giải thích cho quyết định trên, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho rằng tình hình tại miền Đông Ukraine đang diễn biến xấu hơn là lý do khiến EU tăng sức ép với Nga. Theo bà Mogherini, các ngoại trưởng EU nhất trí mở rộng danh sách những cá nhân bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản trong vòng 6 tháng, từ tháng 3 đến 9-2015. Dự kiến, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lên một danh sách các cá nhân bị trừng phạt mới trong vòng 1 tuần để đưa ra thảo luận tại một phiên họp khác của các ngoại trưởng EU vào ngày 9-2, trước khi đệ trình để các nhà lãnh đạo EU phê chuẩn tại hội nghị cấp cao vào ngày 12-2 tới. EC đã thông qua những trừng phạt đầu tiên nhằm vào 21 cá nhân vào tháng 3-2014 sau khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và đến nay danh sách trừng phạt đã bao gồm 132 cá nhân và 28 thực thể.

Song song với biện pháp gây sức ép trên, EU cũng chuẩn bị cho việc nghiên cứu các khả năng áp đặt trừng phạt tiếp theo.

Cần đối thoại hơn áp đặt

Giới phân tích dự đoán điều này có thể EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Nga. Tuy nhiên, việc các ngoại trưởng EU chỉ đề xuất mở rộng danh sách các cá nhân bị trừng phạt mà chưa đả động thêm đến lĩnh vực kinh tế cho thấy nội bộ EU vẫn tiếp tục bất đồng về việc gia tăng sức ép đối với Nga.

Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec cho rằng việc gia tăng trừng phạt Nga sẽ không mang lại hiệu quả vì nó không góp phần thúc đẩy hiện thực hóa thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo nhà ngoại giao Slovenia, tình hình tại Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cuộc đàm phán. Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotziasa cho rằng cần tiến hành đối thoại thay vì áp đặt các biện pháp mới đối với Nga. Ông Kotziasa nhấn mạnh Athens ủng hộ EU nhưng không ủng hộ các biện pháp trừng phạt, đồng thời khẳng định mục đích của Hy Lạp là hòa bình tại Ukraine.

Trước đó, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố các nhà lãnh đạo EU không thể thuyết phục chính phủ của ông ký vào tuyên bố chung chỉ trích Nga, đồng thời nhấn mạnh tuyên bố chỉ trích Nga của EU không được sự chấp thuận của Hy Lạp. Thủ tướng Áo Werner Faymann khẳng định lối thoát cho cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây chỉ được tháo gỡ qua các cuộc đàm phán, còn việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục