Nga kích tăng trưởng kinh tế

Đứng trước viễn cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới và nguy cơ suy thoái của kinh tế Nga do các công ty cắt giảm đầu tư và nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh, ngày 21-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một chương trình kích thích kinh tế đầy tham vọng nhưng không kém phần rủi ro trị giá hơn 43 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế nước nhà.

Kế hoạch kích thích được đưa ra sau khi các số liệu của chính phủ cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5 tháng đầu năm nay của nền kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD chỉ đạt 1,8%, trong khi tăng trưởng cả năm dự báo chỉ đạt 2,4%, giảm mạnh so với dự đoán 3,6% trước đó khi cả hoạt động đầu tư và xuất khẩu giảm mạnh. Đây là mức thấp nhất hơn một thập kỷ qua khi tăng trưởng kinh tế trung bình của Nga vào thập kỷ trước lên tới 7%. Theo ông Putin, thời kỳ dựa vào xuất khẩu năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga đã kết thúc và không có phép nhiệm màu nào giúp Nga trở lại thời kỳ đó. Do vậy, nước Nga sẽ phải đứng lên theo cách khác.

Theo kế hoạch, chính phủ sẽ bơm ít nhất 43,5 tỷ USD từ quỹ dự trữ lương hưu cho cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt trên toàn quốc. Cụ thể, khoản ngân sách này sẽ được rót vào 3 công trình như hiện đại hóa tuyến đường sắt xuyên Siberia, nối thủ đô Moscow và Vladivostok trong vùng Viễn Đông, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 800 km từ Moscow đến Kazan, thủ phủ vùng Tatarstan và xây một siêu xa lộ Moscow.

Phát biểu trước lãnh đạo các doanh nghiệp, Tổng thống Putin cho rằng thách thức lớn nhất của nước Nga là phải xóa sổ các hạn chế về cơ sở hạ tầng đang bóp nghẹt đất nước và mở cánh cửa tiềm năng của từng khu vực, đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư nước ngoài. Báo New York Times dẫn lời Phó Thủ tướng Igor I. Shuvalov cho biết chính phủ Nga đã hành động theo lời khuyên của các chuyên gia độc lập, cũng như từ các tổ chức tài chính quốc tế, tất cả đều cho rằng nước Nga nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, để xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư, ông Putin tuyên bố sẽ ân xá cho khoảng 13.000 doanh nhân, phần lớn phạm tội gian lận hay trốn thuế - một động thái được xem là khá bất ngờ trong các biện pháp chấn hưng kinh tế mà Tổng thống Putin từng áp dụng trong hơn 12 năm cầm quyền trước đây. Tổng thống Putin cũng vạch ra nhiều biện pháp khác như hạn chế tăng thuế đối với các lĩnh vực liên quan đến điện lực và các tiện ích khác, đồng thời khuyến khích giảm lãi suất để đẩy mạnh cho vay kinh doanh. Nước Nga cũng cần nỗ lực để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, gói kích thích này có khả năng sẽ gây ra lạm phát lương nhiều hơn là tạo ra công ăn việc làm mới. Phó Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) David Lipton cho rằng, gói kích thích tiền tệ trên không giúp Nga tăng trưởng nhiều nhưng sẽ giúp khuyến khích đầu tư. Theo ông, Nga có thể đạt được tăng trưởng kinh tế 5% nhưng để đạt được mức tăng trưởng đó, tỷ lệ đầu tư trên GDP của Nga phải tăng từ 22% hiện tại lên 25%.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục