Nga lên án âm mưu bóp méo lịch sử Thế chiến thứ hai

Ngày 26-1, các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga đồng loạt tuyên bố mọi âm mưu bóp méo lịch sử Thế chiến thứ hai có thể mở đường cho sự hồi sinh của chủ nghĩa phát-xít.
Nga lên án âm mưu bóp méo lịch sử Thế chiến thứ hai

Ngày 26-1, các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga đồng loạt tuyên bố mọi âm mưu bóp méo lịch sử Thế chiến thứ hai có thể mở đường cho sự hồi sinh của chủ nghĩa phát-xít.

Du khách tham quan trại Auschwitz ngày nay.

Bài học cần ghi nhớ

Ngày 26-1, Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đã tham dự buổi lễ ở thủ đô Mátxcơva của Nga nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tập trung người Do Thái ở Auschwitz, Ba Lan do Đức quốc xã lập nên (27-1-1945 - 27-1-2015). Đây là một trong các hoạt động đầu tiên trong hàng loạt hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát-xít, kết thúc Thế chiến thứ hai (WWII). Ít nhất 1,5 triệu người, trong đó có 15.000 công dân Liên Xô, đã thiệt mạng trong trại tập trung Auschwitz trong WWII.

Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Tổng thống Nga không nhận được lời mời chính thức từ Ba Lan dự lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng trại Auschwitz ở Ba Lan và phía Nga đã cử Chánh văn phòng Tổng thống, ông Sergey Ivanov tham dự.

Cùng ngày, theo Spunik, Văn phòng báo chí Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của chúng tôi (LB Nga) đối với Chiến thắng vĩ đại (trong WWII) đều đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa phát-xít Đức, đồng thời mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại”.

Theo ông Putin, thế giới phải bảo vệ sự thật liên quan những diễn biến trong WWII vì lãng quên những bài học trong quá khứ có thể dẫn tới việc lặp lại những bi kịch khủng khiếp, như nạn tàn sát người Do Thái (Holocaust). Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cho biết một số nhà lãnh đạo ở những nước từng chịu đựng sự chiếm đóng của Đức quốc xã đang bóp méo ký ức về WWII vì mục đích chính trị, thậm chí đã có những âm mưu nhằm bao che cho những tội phạm chiến tranh và tay sai phát-xít. Theo người đứng đầu Chính phủ Nga, những âm mưu này đã kích động các cuộc xung đột mới và những bi kịch mới.

Xe tăng Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng thành phố Muhlhausen, Ba Lan ngày 24-1-1945.

Không thể xuyên tạc sự thật

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nga Alexei Pushkov ngày 26-1 tuyên bố rằng đang ngày càng có nhiều âm mưu xét lại lịch sử WWII và Nga cần phải nhận thức rõ vấn đề này.

Theo Spunik, phát biểu tại phiên họp mùa đông của Hội đồng nghị viện châu Âu (PACE) với tư cách thành viên của cơ quan này, ông Pushkov cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cáo buộc Liên Xô xâm lược Ukraine và Đức trong WWII là vô lý vì lúc đó Ukraine là một phần của Liên Xô và Liên Xô cùng với các nước trong khối đồng minh giải phóng nước Đức và giải phóng toàn châu Âu khỏi ách phát-xít.

Ông Pushkov nói: “Liên Xô là một thành viên chủ chốt của liên minh chống Hitler và ở khía cạnh này hành động của Liên Xô đã được chứng minh, cũng như những hành động của quân đội Mỹ, Anh, và Pháp. Vì vậy, nói Liên Xô xâm lược Ukraine và Đức có nghĩa là để viết lại lịch sử WWII, để hỗ trợ cho Đức quốc xã. Điều đó là không thể chấp nhận về mặt đạo đức”.

Ông Pushkov cũng cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna khi nói trại tập trung của Đức quốc xã ở Auschwitz được các binh sĩ người Ukraine giải phóng là “sự khiêu khích chính trị”. Ông Pushkov nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine là một phần của Hồng quân Liên Xô bao gồm Nga, Azerbaijan, Armenia và tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô.

Theo ông, chọn ra một quốc gia trong số nhiều quốc gia chỉ vì lý do chính trị là không thể chấp nhận về mặt đạo đức. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cũng đã cảnh báo chống lại việc sửa đổi lịch sử WWII gắn liền với sự kiện giải phóng trại tập trung Auschwitz.

Phát biểu tại một hội nghị của LHQ ở New York kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng trại Auschwitz vào hôm 14-1, ông Churkin nhắc nhở rằng những người lính Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Ukraine trước khi đến Ba Lan giải phóng trại Auschwitz.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục