* LHQ: Thế giới cần xử lý an toàn hạt nhân quyết liệt như vũ khí hạt nhân
Theo Vụ Thông tin báo chí Bộ Quốc phòng Nga, ngày 26-4, Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo "Xineva RCM-54" từ tàu ngầm nguyên tử "Yekaterinburg" thuộc Hạm đội Phương Bắc. Vụ phóng tên lửa diễn ra tại khu vực biển Baren với mục tiêu giả định nằm trên bán đảo Kamchatka, vùng đất cực Đông của Nga ở Thái Bình Dương.
Vụ phóng này nằm trong chương trình huấn luyện hàng năm của quân đội Nga nhằm kiểm tra khả năng tác chiến và độ tin cậy của các lực lượng hạt nhân chiến lược của hải quân.
"Xineva RCM-54" là tên lửa hành trình ba tầng dùng nhiên liệu hóa lỏng, do Trung tâm tên lửa quốc gia mang tên Makeyev nghiên cứu chế tạo, được điều khiển bằng hệ thống tín hiệu vô tuyến. "Xineva RCM-54" có trọng lượng lúc rời bệ phóng là gần 40 tấn, được trang bị đầu đạn có thể tự chia tách thành 4 đầu đạn khác nhau khi gần tới mục tiêu và chính thức được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga từ tháng 6-2007.
"Yekaterinburg" phiên bản 667BDRM, hay còn gọi là "Cá Heo" (Dolphin), là tàu ngầm chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân, có chiều dài 167m, chiều rộng 12m, lượng choán nước gần 12 nghìn tấn và thủy thủ đoàn 140 người. "Cá Heo" có thể mang 16 tên lửa hành trình "Xineva", hoạt động ở độ sâu tối đa 400m với vận tốc trung bình 44,5km/h.
Hiện Hải quân Nga có tất cả 6 chiếc tàu "Yekaterinburg" phiên bản 667BDRM.
* Ngày 26-4, Đại hội đồng LHQ khoá 65 đã tổ chức phiên họp đặc biệt nhân kỷ niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Cherbobyl. Khai mạc phiên họp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh các mối đe dọa hạt nhân mới nhất từ sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản cùng với dư âm khủng khiếp của thảm họa hạt nhân Chernobyl cách đây 25 năm, cho thấy cộng đồng thế giới cần xử lý an toàn hạt nhân quyết liệt và nghiêm túc như vũ khí hạt nhân.
Khẳng định đã đến lúc cần phản ánh và tranh luận quyết liệt, nghiêm túc về an toàn hạt nhân, ông Ban Ki-moon thông báo sẽ triệu tập hội nghị các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 9 tới để thảo luận cấp cao toàn cầu về vấn đề này. Tổng Thư ký hoan nghênh cam kết của các nước đóng góp 550 triệu euro để xây dựng vỏ bọc mới cho lò phản ứng hạt nhân đã bị phá huỷ ở Chernobyl để đảm bảo an toàn hạt nhân của nhà máy này trong vòng 100 năm nữa. Ông nhấn mạnh nhân loại cần một lá chắn để bảo vệ toàn thế giới và lá chắn hạt nhân toàn cầu này sẽ được LHQ thúc đẩy để đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân là nguồn năng lượng hoà bình.
Đại hội đồng LHQ và đại diện các châu lục trên toàn cầu đã dành phút tưởng niệm các nạn nhân của thảm hoạ Chernobyl và khẳng định sự cần thiết phải rút ra bài học từ thảm họa này cũng như từ kinh nghiệm của Nhật Bản khắc phục sự cố hạt nhân hiện nay để đảm bảo an toàn hạt nhân trong tương lai. Theo LHQ, sự tưởng nhớ tốt nhất các nạn nhân thảm hoạ Chernobyl là đảm bảo những bài học từ thảm hoạ này được chuyển thành những hành động trên thực tế cải thiện và tăng cường vững chắc an toàn hạt nhân và an toàn phóng xạ. Đầu tư nghiên cứu khoa học về loại bỏ và dự trữ an toàn nhiên liệu hạt nhân phải được ưu tiên. Bên cạnh đó, cộng đồng thế giới cần tăng cường nghị định thư hiện hành để tăng cường hợp tác năng lượng hạt nhân quốc tế và phản ứng khẩn cấp cũng như thúc đẩy các nỗ lực phát triển các thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới với những tính năng an toàn cao nhất.
Thảm họa hạt nhân Chernobyl đã tạo ra các đám mây phóng xạ bao phủ lãnh thổ Belarus, Ucraina và Nga, phơi nhiễm phóng xạ nồng độ cao cho 8,4 triệu người. LHQ đã thực hiện mọi hành động cần thiết để thúc đẩy phục hồi các khu vực bị tác động của thảm họa.
TTXVN