Nga quyết định xóa cho Triều Tiên gần 10 tỷ USD nợ

Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga dẫn tờ "Tin tức" của Nga ngày 14-9, cho biết Mátxcơva đã quyết định sẽ xóa cho CHDCND Triều Tiên 90% trong tổng số 11 tỷ USD mà Bình Nhưỡng nợ Liên Xô cũ để góp phần thúc đẩy các dự án chung mới giữa hai nước.

Theo nguồn tin thân cận với Bộ Tài chính Nga, nguyên nhân để Nga quyết định xóa nợ cho Triều Tiên là do Bình Nhưỡng hiện không có cả tiền lẫn hàng hóa để trả nợ, số nợ tồn đọng trên và quá trình đàm phán về vấn đề này trong suốt hai mươi năm qua vẫn không thu được kết quả, đang cản trở việc khôi phục và phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước.

10% số nợ còn lại sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án chung của hai nước trên lãnh thổ Triều Tiên, trong đó có công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt chạy từ Nga qua Triều Tiên để tới Hàn Quốc.

Mặc dù cả phía Nga lẫn phía Triều Tiên đều chưa có một thông báo chính thức nào liên quan đến việc xóa nợ này, nhưng báo "Tin tức" khẳng định Bình Nhưỡng đã đồng ý với phương án xóa và tái đầu tư số nợ nêu trên.

Thư ký thường trực của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề châu Á-Thái Bình dương thuộc Học viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế của Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Alexander Fedorovsky nhận xét thực tiễn xóa và cơ cấu lại các khoản nợ thường được các bên liên quan hoan nghênh và thực thi có kết quả. Nga đã có quyết định tương tự với Việt Nam, Mông Cổ, Ethiopia, Irắc, Syria và Liby.

  • Ngân hàng thế giới công nhận chính quyền mới tại Liby

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 13-9 cho biết tổ chức này công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) là chính phủ chính thức của Libi và cam kết đóng góp trong công cuộc tái thiết nước này.

Thông cáo của WB cho biết quyết định được đưa ra dựa trên "những tiến triển tại Liby và quan điểm của các nước thành viên" và sau khi chính quyền mới ở Tripoli cam kết điều tra các trường hợp bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và xây dựng một quốc gia có luật pháp, thể chế và thịnh vượng. WB cho biết đã nhận được đề nghị đóng vai trò hàng đầu trong công cuộc tái thiết Libi trên các lĩnh vực chi tiêu công, quản lý tài chính, sửa chữa cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho giới trẻ và dịch vụ.

Đặc biệt, WB đã nhận được đề nghị cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá nhu cầu sửa chữa và khôi phục các dịch vụ cấp nước, năng lượng và vận tải, hỗ trợ chuẩn bị ngân sách và hoạt động ngân hàng ở Libi. Hiện WB cùng Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) trở thành 3 đối tác được NTC ở Liby mời tham gia hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này vượt qua khó khăn sau những tháng xung đột. 
  
Cùng ngày 13-9, Ngoại trưởng Canada John Baird cho biết nước này đang tiến hành giải tỏa 2,2 tỷ USD giá trị tài sản của Libi đang bị nước này phong tỏa theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông cho biết khoản tiền này sẽ được dùng để trả tiền lương cho cảnh sát hoặc giáo viên; khôi phục hệ thống điện, nước hoặc mua trang thiết bị cho các bệnh viện ở Liby. Ngoài ra, NTC cũng có thể sử dụng một phần số tiền này cho các nhu cầu nhân đạo khác.

Ngày 12-9, các nhà ngoại giao Canada đã trở lại Libi sau 7 tháng sơ tán. Trước đó, Đại sứ Canada tại Liby Sandra McCardell đã tới Tripoli xem xét tình hình và tiến hành các công tác chuẩn bị để nối lại quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước.

Trong khi đó, Trung Quốc đánh giá tình hình Liby đã có những thay đổi lớn lao và quốc gia Bắc Phi này đang bước vào một giai đoạn then chốt trong công cuộc tái thiết. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du bày tỏ mong muốn công cuộc tái thiết chính trị và kinh tế của Liby sẽ diễn ra nhanh chóng, bảo đảm sự thống nhất của đất nước. Hiện Bắc Kinh đang xem xét đưa đại sứ nước này trở lại Tripoli vào thời điểm thích hợp, tùy theo tình hình an ninh.

  • Cựu Tổng thống Argentina được tuyên trắng án trong vụ buôn lậu vũ khí

Ngày 13-9, cựu Tổng thống Argentina Carlos Menem, cầm quyền trong giai đoạn 1989 – 1999, cùng 17 bị cáo khác đã được tòa tuyên trắng án trong vụ án buôn lậu vũ khí sang Ecuador và Croatia hồi đầu thập niên 1990.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, phán quyết này được đưa ra sau 16 xuất hiện đơn tố cáo đầu tiên và 3 năm vụ án được khởi tố, từ tháng 10/2008. Trong quá trình xét xử một trong những vụ án tham nhũng gây tranh cãi nhất tại Argentina , các quan tòa đã tiến hành thẩm vấn hơn 400 nhân chứng và cuối cùng đã đưa ra 49 luận cứ để xóa án, bao gồm việc đơn tố cáo ban đầu được đưa ra dựa trên luận cứ giả.

Theo lời tố cáo, từ năm 1991 – 1995, Tổng thống Menem khi đang cầm quyền đã ký 3 mật lệnh bán 6.500 tấn vũ khí và đạn dược của Argentina trên danh nghĩa là cho Venezuela và Panama, nhưng trên thực  tế là cho Ecuador và Croatia, hai nước đang có xung đột với các quốc gia khác vào thời điểm đó, và điều này là trái với luật pháp Argentina. Về phần mình, cựu nguyên thủ Argentina bác bỏ việc lô hàng nhạy cảm trên được chuyển tới 2 quốc gia đang có tranh chấp vũ trang.

Tháng 1-2001, một quan tòa cấp liên bang Argentina đã ra lệnh bắt giữ ông Menem, nhưng 6 tháng sau ông được tại ngoại theo phán quyết của Tòa án Tối cao, do những người có chính kiến ủng hộ ông nắm giữ, và vụ án được chuyển sang lĩnh vực Hình sự kinh tế.

Với phán quyết này, ông Menem – hiện 81 tuổi và đang nắm giữ cương vị Thượng nghị sĩ – có thể tiếp tục nuôi tham vọng tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa tại Thượng viện.

  • Google và Intel bắt tay thử sức với smartphone

Ngày 13-9, "đại gia" cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng Google đã thông báo thương vụ làm ăn với Intel, sản xuất chíp điện tử cho các mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành điện thoại thông minh (smartphone) thế hệ mới dựa trên thế mạnh của cả hai hãng.

Đại diện của hai hãng cho biết các phiên bản điện thoại thông minh, dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào nửa đầu năm 2012, sẽ chạy trên hệ điều hành được ưa chuộng Android của Google và sử dụng chíp xử lý Atom truyền thống của Intel. Giám đốc điều hành của Intel Paul Otellini cho biết bộ vi xử lý được gắn trong thế hệ điện thoại mới này thuộc dòng Medfield, dựa trên cấu trúc của bộ chíp sử dụng trong các dòng máy tính cá nhân (PC) của hãng.  

Quyết định bắt tay của hai “đại gia” ngành công nghệ này diễn ra trong bối cảnh Google mới đây đã chi ra 12,5 tỷ USD để mua lại mảng di động của hãng Motorola. Và với sự giúp sức của Intel, Google đang kỳ vọng có thể xây dựng được một “dây chuyền” sản xuất các mẫu điện thoại thông minh khép kín, từ nghiên cứu chế tạo cho tới phát hành, như những gì mà hãng Apple đang thành công với iPhone.    

Công ty chế tạo máy tính Intel gần đây đã bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực điện thoại thông minh và máy tính bảng, mang lại kết quả khả quan trong hoạt động kinh doanh của hãng. Hầu hết các sản phẩm công nghệ cao của hãng này đều sử dụng bộ vi mạch thuộc dòng ARM Holdings, loại chíp được cho là sử dụng ít năng lượng và hiệu quả hơn hẳn so với các sản phẩm khác của Intel. 

Trong khi đó, nhằm mở rộng mảng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến của mình, cùng ngày, Google mới đây đã giới thiệu công cụ Flight Search. Theo đó, người dùng sẽ có được những thông tin nhanh nhất về lịch trình các chuyến bay, giờ bay và số ghế còn trống trên các chuyến bay. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, Google mới chỉ thử nghiệm công cụ Flight Search ở một số thành phố lớn của Mỹ và chỉ cho kết quả của các chuyến bay hai chiều hạng bình dân.

Theo thông báo của Google, công cụ Flight Search sẽ được phổ biến hơn nữa trong thời gian tới và hãng không chịu “sức ép từ bất cứ bên nào” mỗi khi đưa ra các kết quả về chuyến bay của các hãng hàng không.

TTX

Tin cùng chuyên mục