Bất kỳ lệnh trừng phạt kinh tế nào cũng có hai mặt, lợi ích và rủi ro tùy từng hoàn cảnh được chia đều cho các bên liên quan. Trường hợp của Nga, đối phó với hàng loạt lệnh trừng phạt gây áp lực từ phương Tây, chính quyền Nga cương quyết tỏ thái độ cứng rắn, bất chấp những thiệt hại trước mắt của nền kinh tế. Còn các tỷ phú Nga tìm mọi cách hạn chế tối đa sự thất thoát tài sản.
Sức ép kinh tế suy thoái
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các nước phương Tây vẫn liên tục cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng chống đối chính phủ ở miền Đông Ukraine. Tính đến nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa vào danh sách trừng phạt tổng cộng 87 cá nhân cùng 20 thực thể của Nga.
Các chuyên gia tài chính thế giới cho rằng, Nga sẽ bị thiệt hại lên đến 2.000 tỷ USD từ những lệnh trừng phạt trên. Ông Mikhail Kasyanov, người giữ cương vị Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin từ năm 2000-2004, nhận định: “Các doanh nghiệp Nga có lý do để lo ngại. Nếu lệnh trừng phạt nhằm vào toàn bộ ngành tài chính Nga, thì nền kinh tế Nga sẽ suy sụp sau 6 tháng”.
Hiện nay, nhờ vào các chính sách tư nhân hóa cũng như cải cách ở khối doanh nghiệp nhà nước, Nga đang có nhiều tỷ phú điều hành thành công các doanh nghiệp trong nước. Trước áp lực của những lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, tài sản của những tỷ phú này đang dần bốc hơi.
Theo thống kê của ấn phẩm Bloomberg Billionaires thuộc Blooberg (chuyên theo dõi tài sản của những người giàu nhất thế giới), tính từ đầu năm đến nay, giới tỷ phú Nga đã mất ít nhất 16 tỷ USD (chiếm 7% tổng số tài sản) chỉ vì những lệnh trừng phạt Nga liên quan tới xung đột ở Ukraine.
Vụ tai nạn máy bay MH17 khiến giới tỷ phú Nga càng lo lắng khi được cho là cái cớ để phương Tây đổ tội cho Nga và thẳng thừng áp đặt thêm những lệnh trừng phạt mạnh đánh vào nền kinh tế nước này. Rob LaFranco, biên tập viên của Bloomberg Billionaires, nói rằng: ‘Tỷ phú Nga đang mất rất nhiều tiền, tài sản mỗi ngày một vơi đi”.
Đó là tiền quy từ cổ phiếu trên thị trường Nga, là tài sản mà họ đem đi đầu tư ở các đội bóng rổ, bóng đá và bất động sản ở phương Tây nhưng bị đóng băng theo lệnh trừng phạt. Ngoài ra, những nhân vật có tên trong danh sách trừng phạt bị cấm du lịch. Tài sản của họ không những bị đóng băng mà còn bị loại ra khỏi thị trường.
Đây được cho là điều bất lợi của Nga so với các nền kinh tế mới nổi khác. Tính từ đầu năm đến nay, các tỷ phú Ấn Độ kiếm được thêm 30 tỷ USD, Trung Quốc và Brazil lần lượt là 17 và 8 tỷ USD. 64 người giàu nhất nước Mỹ thì có thêm 56,5 tỷ USD. Aleksei Belkin, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý quỹ đầu tư Mátxcơva cho rằng thị trường đang ngầm gửi đi thông điệp rằng phương Tây đang muốn loại Nga ra khỏi cuộc chơi.
Alisher Usmanov, người giàu nhất nước Nga, đồng thời cũng là doanh nhân thân thiết của Tổng thống Vladimir Putin, trở thành một trong những tỷ phú mất nhiều nhất khi giá trị tài sản của ông đã sụt giảm 3 tỷ USD. Ông là người sở hữu OAO Metalloinvest Holding (METIN), nhà sản xuất quặng lớn nhất nước Nga và OAO Megafon (MFON), nhà cung cấp mạng điện thoại không dây lớn thứ hai của quốc gia này. Alisher Usmanov còn là chủ của Tập đoàn sản xuất kim loại USM Holdings và Câu lạc bộ bóng đá Arsenal đều ở Anh.
Mới đây, Phó Thủ tướng Anh Nick Cleg, sau lời kêu gọi của Đức và Hà Lan, cũng đã lên tiếng kêu gọi một chiến dịch phản đối việc Nga đăng cai World Cup 2018. Trước đó, cộng đồng quốc tế đã tạm thời loại Nga ra khỏi nhóm G-8. Hội nghị thượng đỉnh Sochi dự trù tổ chức vào tháng 6-2014 đã bị 7 cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới tẩy chay.
Điều rõ rệt nhất được ghi nhận cho tới nay là kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, đầu tư nước ngoài vào Nga đã ồ ạt rút đi, chỉ số chứng khoán trên thị trường Mátxcơva trượt giá, đồng rúp mất đến 20% trị giá so với đồng USD trong ba tháng đầu năm 2014. Nhiều dự án đầu tư của châu Âu và thậm chí là của các nước châu Á vào Nga cũng bị đình chỉ. Các dự án chuyển giao công nghệ của châu Âu cho các tập đoàn của Nga cũng sẽ được xem xét lại rất kỹ.
Con dao hai lưỡi
Dù phương Tây đe dọa sẽ mạnh tay dùng “vũ khí kinh tế” buộc chính quyền ông Putin làm dịu tình hình Ukraine nhưng theo Financial Times, ngay từ khi căng thẳng ở Ukraine liên quan đến Crimea bùng phát thì các công ty lớn của Nga đã có những bước chuẩn bị. Các công ty Nga đã chuyển hàng tỷ USD từ các ngân hàng phương Tây về nước để đảm bảo tài sản của mình không bị thất thoát thêm nữa.
Một trong những ngân hàng hàng đầu của Nga là Gazprombank đã chuyển quỹ tiền gửi của khách hàng ở Bỉ và Luxembourg về Trung tâm lưu ký trung ương Nga từ cuối tháng 4 vừa qua. Ngân hàng Gazprombank có tổng tài sản 110,5 tỷ USD. Ngân hàng này có 49,6% cổ phần thuộc sở hữu của quỹ liên kết hưu trí Gazfond; 35,5% cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom OAO và 10% cổ phần thuộc sở hữu của VEB, Ngân hàng phát triển quốc gia Nga.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt, trong tháng 3, Gazprombank cũng đã chuyển gần 7 tỷ USD về Ngân hàng trung ương Nga nhằm giữ an toàn.
Trong một thông cáo của chính quyền Nga được tờ Pravda trích dẫn, việc ngăn sản phẩm Nga vào thị trường Mỹ là cách mà chính quyền Washington tự trói chân mình vì hiện nay nhu cầu nhập nhiều mặt hàng Nga vào Mỹ là rất cao, trong đó có nhu cầu tiêu thụ súng. Hàng năm, người Mỹ nhập đến 200.000 khẩu súng của Nga.
Chuyên gia I.Facon thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp) cho rằng đương nhiên, trong trung và dài hạn, kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn nếu như phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhất là kinh tế Nga đang gặp khó khăn từ hai năm qua. Nhưng bà Facon cũng nhận xét việc phong tỏa kinh tế của Nga là một bài toán phức tạp, và là con dao hai lưỡi. Phương Tây, chính là châu Âu, cũng sẽ bị thiệt hại nhiều trong vụ này chứ không chỉ một mình nước Nga.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)