Đó cũng là tựa đề bài viết trên Asia Times về việc Nga tiếp tục khẳng định ưu thế của mình ở thị trường năng lượng châu Âu.
Theo bài báo này, Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga trong tháng 4 đã tăng 21% lượng khí đốt cấp cho châu Âu so với cùng kỳ năm 2010. Trong năm 2011, dự kiến, tổng doanh thu xuất khẩu năng lượng của Gazprom đạt 72,4 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng về khí đốt của châu Âu, Gazprom có kế hoạch tăng gần gấp đôi lượng khí đốt dự trữ lên 4,9 tỷ m³ trong năm nay (có thể đủ cung ứng cho đến năm 2015) và lên 6,5 tỷ m3 trong năm 2012.
Đó là mới chỉ tính các cơ sở vận chuyển và dự trữ dầu hiện có, chưa tính đến hai dự án “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam” sẽ đưa vào vận hành trong tương lai gần. Gazprom đang tăng cường các kho chứa khí đốt xây dựng kho chứa tại Serbia, Czech, Pháp, Romania, Bỉ, Anh, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm tăng thêm dòng khí của Nga tới khắp châu Âu. Với thế mạnh trên và hiện là nhà cung cấp 41% nhu cầu khí đốt của châu Âu, Asia Times cho rằng Nga sẽ làm thay đổi quan hệ Đông-Tây về trung hạn và dài hạn, trở thành nước có vai trò quan trọng đối với quan hệ Âu - Mỹ.
Một lợi thế lớn nữa với Nga là dự án đường ống dẫn khí đốt Nabucco đầy hoài bão của Mỹ đang gặp nhiều bế tắc. Mỹ xem Nabucco nhằm làm giảm sự phụ thuộc khí đốt của châu Âu vào Nga. Nabucco dự kiến sẽ kéo dài 3.900km, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Áo, đưa 31 tỷ m³ khí đốt mỗi năm từ Trung Đông và vùng Caspi tới thị trường châu Âu. Nabucco không đi qua Nga mà sẽ qua Bulgaria, Romania và Hungary trước khi đến Vienna. Tuy nhiên, phải nhiều năm nữa Nabucco mới được hoàn thành.
EU cảnh báo, việc trì hoãn Nabucco có thể làm đội giá công trình này lên tới 21,4 tỷ USD, gần gấp đôi so với 11,2 tỷ USD dự kiến. Điều đáng nói là sau khi hoàn thành, nguồn cung cho Nabucco cũng sẽ rất khó khăn. Turkmenistan không thể ở vị thế độc lập, bỏ qua vai trò của Nga, để dồn hết khí đốt cho đường ống này. Iran thì đang thù địch với Mỹ. Niềm hy vọng còn lại của Nabucco là 2 khu vực khai thác ở Shah Deniz, Azerbaijan nhưng đến năm 2017 mới có sản phẩm.
Trong khi đó, đường ống “Dòng chảy phương Nam” (liên doanh giữa Gazprom và ENI, Ý) dài 900km từ miền Nam Nga tới Trung và Nam Âu qua ngõ Biển Đen. Đường ống này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2015, có thể vận chuyển 63 tỷ m³ khí đốt mỗi năm. Dòng chảy phương Bắc từ vùng tự trị Yamal-Nenets, phía Bắc Nga, qua Phần Lan, qua biển Baltic đến Đức với sự góp vốn của 5 công ty, trong đó Gazprom chiếm 51%. Dự kiến giai đoạn 1 của “Dòng chảy phương Bắc” hoàn thành vào quý 4-2011 và giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2012 với tổng lượng khí đốt vận chuyển mỗi năm là 55 tỷ m³.
Như vậy, giờ đây, Mátxcơva không còn phải lo ngại về đường ống Nabucco và họ đang ở “kèo trên” trong các hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu, ít nhất là trong 2 năm tới. Nga cũng sẽ không còn phụ thuộc vào chứng “trái gió trở trời” của Ukraine và Ba Lan, hai nước có đường ống dẫn khí đốt trung chuyển sang châu Âu hiện nay vốn làm các khách hàng ở Trung và Tây Âu điên đảo vì không trả nợ dẫn đến việc bị Nga cắt khí đốt.
Khánh Minh