Ngăn chặn giả mạo xuất xứ

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công thương vừa lập đoàn kiểm tra, làm việc với 5 doanh nghiệp (DN), gồm: Công ty CP Tập đoàn Tân Long, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuận Minh, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Tân Đồng Tiến, Công ty TNHH Khánh Tâm về việc các DN này thu mua và tiêu thụ gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ.  

Trước đó đã có vài câu hỏi được đặt ra: Mỗi năm Việt Nam sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, đủ phục vụ tiêu dùng trong nước và còn dư 6-7 triệu tấn để xuất khẩu. Vậy nhập khẩu gạo từ Ấn Độ làm gì?

Ngay tuần đầu tiên của năm 2021, nhiều báo chí nước ngoài đã phát đi thông tin từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ về việc các DN Việt Nam ký hợp đồng mua 70.000 tấn gạo 100% tấm của Ấn Độ với giá 310 USD/tấn (giá tại cảng Ấn Độ).

Sau đó, trả lời báo giới trong và ngoài nước, một DN cho biết, chủ yếu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và nấu bia (???). Tuy nhiên, thông qua các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ NN-PTNT cho hay, từ năm 2020, một số nước nhập khẩu gạo của Việt Nam đã than phiền về chất lượng gạo trắng có dấu hiệu giảm sút. 

Gần đây nhất là vụ Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện lô hàng nhập khai báo là gạo có xuất xứ từ Ấn Độ, nhưng không có chữ nào ghi hàng Ấn Độ; đã vậy, trên bao bì còn thể hiện địa chỉ nhà máy tại… Việt Nam. Vậy có hay không chiêu trò gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan? Bộ Công thương xác định đã có DN gian dối trong kê khai, làm giả chứng từ để gian lận xuất xứ sản phẩm xuất khẩu đối với một số mặt hàng Việt Nam có ưu thế trên thương trường quốc tế. 

Trong bối cảnh gian lận thương mại có xu hướng gia tăng, đại diện Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi và đưa ra những cảnh báo sớm tới cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O và cộng đồng DN thông qua công tác xây dựng danh sách cảnh báo; tăng cường trao đổi thông tin, kiểm tra việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ cần sự tham gia, chung tay của nhiều bộ ngành, đặc biệt là của cộng đồng DN trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống gian lận xuất xứ, không tiếp tay cho những hành vi gian lận. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, DN cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn. Tránh để hành vi của một vài DN làm ảnh hưởng tới đa số DN sản xuất, xuất khẩu chân chính.

Tin cùng chuyên mục