Ở TPHCM, dù ở khu vực ngoại thành hay các quận nội thành, người đi đường không khó bắt gặp hình ảnh chợ tự phát tràn từ vỉa hè xuống lòng đường với khung cảnh bát nháo vào đầu giờ sáng, hay vào giờ tan tầm. Chợ thường hình thành từ gánh rau, hàng thịt, xuất phát từ nhu cầu của người bán, người mua.
Buổi sáng ngày 8-8, dù trời mưa nhưng đường Hoàng Hoa Thám, đoạn qua khu vực chợ Cây Quéo, thuộc địa bàn quận Bình Thạnh chật chội vô cùng, khi có đông đảo người qua lại. Chúng tôi lái xe máy đi qua khu vực này thật khó khăn, khi người mua dựng xe ở giữa đường, có người còn ngồi trên xe máy rồi với tay mua hàng tại những xe đẩy bán trái cây, bán thịt heo giữa lòng đường.
Vào năm 2004, chính quyền địa phương tổ chức mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, chợ Cây Quéo bị dẹp đi, người dân tràn ra đường buôn bán. Ban đầu là những hộ kinh doanh quần áo, tạp hóa, rồi dần thêm nhiều hàng thịt, gánh rau, rổ trứng. Đến nay, khu chợ chiếm phần lớn lòng, lề đường của đoạn đường chừng 200m.
Bà Lê Thị Thu, người dân sống lâu năm trên đường Hoàng Hoa Thám, than vãn: “Chợ họp gần nhà có tiện thật nhưng chúng tôi cũng quá ngán ngẩm với âm thanh xô bồ, thậm chí là cãi vã của hàng tôm, hàng cá. Thêm nữa, các sạp hàng bày bán không có trật tự, khiến người dân trong khu vực di chuyển rất khó khăn. Đã 15 năm rồi, người dân địa phương chịu đựng cũng mỏi mệt”.
Cách đó không xa, cũng trên địa bàn quận Bình Thạnh có tình trạng họp chợ đã ngót ngét 20 năm, mà chính quyền địa phương không xử lý rốt ráo, đó là chợ trên đường Nguyễn Xí, thuộc phường 13. Chợ tự phát này hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối, lấn chiếm vỉa hè, thậm chí cả lòng đường. Đầu giờ sáng hay vào cuối buổi chiều, xe hơi chạy tới, chạy lui, người đi xe máy dừng mua 2 bên đường khiến giao thông hỗn loạn, hàng hóa ngổn ngang, cung đường hầu như không có lối đi, các cá nhân kinh doanh tranh giành khách, gây gổ làm mất trật tự.
Thêm nữa, những người bán hàng tùy tiện mổ gà, vịt, cá ngay tại chỗ, xả nước bẩn, thải vảy cá, lòng gà, vịt xuống đường. Mùi tanh hôi phả ra khắp khu dân cư. Theo nhiều người dân trong khu vực, tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm và họ không còn cách nào khác là sống chung với ô nhiễm.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương TPHCM, toàn thành phố có hơn 250 điểm kinh doanh tự phát rải đều khắp các quận huyện. Chợ tự phát hình thành và tồn tại vì thói quen mua, bán nhanh của người bán lẫn người mua. Thực trạng tồn tại dai dẳng các chợ tự phát đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của các chợ quy hoạch, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và gây cản trở, mất trật tự an toàn giao thông, thậm chí xảy ra tử vong vì bị người điều khiển ô tô tông vào chợ.
Vào năm 2017, cùng với quyết tâm lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè, chính quyền thành phố đề ra việc giải tỏa, sắp xếp lại các điểm kinh doanh tự phát, còn gọi là chợ tự phát. Nhiều giải pháp vừa “cứng”, vừa “mềm” đã được UBND 24 quận huyện triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Vậy nhưng đến nay, người dân phản ánh có hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”.
Để tránh tình trạng đáng tiếc như vừa xảy ra tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), khiến 4 người chết tại chợ ven đường, việc xử lý chợ tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở TPHCM phải được thực hiện liên tục, thường xuyên nhằm tạo chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, các cấp chính quyền cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, ý thức của người dân; đồng thời quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm các chợ phục vụ nhu cầu của người dân, công nhân.