Ngăn chặn tình trạng “mỗi thứ trưởng về hưu là một hội ra đời”

Tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào sáng 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật về hội. Nội dung này cũng đã khép lại phiên họp của UBTVQH, sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự dự kiến.
Ngăn chặn tình trạng “mỗi thứ trưởng về hưu là một hội ra đời”

(SGGPO).- Tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào sáng 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật về hội. Nội dung này cũng đã khép lại phiên họp của UBTVQH, sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự dự kiến.

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật về hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định (ảnh) cho biết, sau khi tiếp thu chỉnh lý, kết cấu của dự thảo Luật đã có sự thay đổi (từ 8 chương với 36 điều thành 7 chương với 44 điều). Một số vấn đề lớn được báo cáo xin UBTVQH cho ý kiến, bao gồm: phạm vi điều chỉnh của Luật, chính sách đối với hội, điều kiện thành lập hội, phạm vi hoạt động của hội, công nhận người đại diện theo pháp luật của hội, công nhận điều lệ hội, việc thành lập hội không đăng ký...

Điều chỉnh cả hoạt động của hội có yếu tố nước ngoài

Các ý kiến tại phiên họp cơ bản bày tỏ đồng tình với các nội dung báo cáo của cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, luật hóa những quy định dưới luật đang được áp dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn về hoạt động của hội, kể cả hoạt động của hội có yếu tố nước ngoài vào luật. “Hồ sơ dự án Luật về hội có thể trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 tới đây. Tuy còn các ý kiến khác nhau, các phương án khác nhau, chúng ta đã và sẽ tiếp tục xin ý kiến Quốc hội; nhưng không nên dừng, không nên hoãn mà phải mạnh dạn ban hành để hiện thực hóa Nhà nước pháp quyền, thực hiện quản lý nhà nước bằng luật”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Trong số các nội dung cụ thể của dự thảo luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đề nghị cần tiếp tục bổ sung các quy định cụ thể liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về hội, bảo đảm các hội hoạt động tuân thủ pháp luật, nhất là đối với các hội có yếu tố nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, các hội không đăng ký...

Về việc thành lập hội không đăng ký, một số ý kiến đề nghị Luật cần quy định rõ về loại hội không đăng ký để vừa tôn trọng và cụ thể hóa quyền lập hội của công dân, vừa bảo đảm quản lý Nhà nước đối với loại hội này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ nội hàm cũng như có những quy định cụ thể về hội có đăng ký và hội không đăng ký; tập trung hơn vào xây dựng các quy định chặt chẽ trong hoạt động quản lý đối với các hội có đăng ký so với hội không đăng ký, lập ra chủ yếu với mục đích gặp gỡ, giao lưu...

Nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng đề xuất bổ sung các quy định chặt chẽ, cụ thể để tránh tình trạng thành lập hội tràn lan, phức tạp trong việc huy động nguồn lực xã hội; chú ý phòng ngừa việc thành lập hội không phù hợp, gây khó khăn trong việc quản lý Nhà nước đối với hội. Đồng thời, có quy định chặt chẽ về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó bao quát cả việc lợi dụng thành lập hội để tổ chức hoạt động trái pháp luật.

Công chức phải làm gương

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, tình trạng cán bộ, công chức nghỉ hưu thành lập hội hiện nay là khá phổ biến. “Nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu là xin thành lập ban vận động thành lập hội. Do đó, trong dự thảo Luật về hội, chúng tôi đề nghị đối với cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội, tránh tình trạng lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân, vụ lợi”.

Tán đồng nhận định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, bà từng làm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên biết rất rõ chuyện “cứ mỗi thứ trưởng về hưu là có một hội ra đời, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin biên chế”.

“Thực ra một số hội này hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội hoạt động tốt, nhưng quá nhiều nên việc đi vận động doanh nghiệp, vận động tài trợ cũng khiến doanh nghiệp than vãn. Luật này ra đời để quy định nguyên tắc, chính sách, quyền, nghĩa vụ... để quản lý nhà nước về hội tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu và gửi hồ sơ tài liệu trước cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, trình dự án Luật này ra kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vào tháng 10 tới để Quốc hội xem xét thông qua.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục