
Một kế hoạch đầy tham vọng nhằm bảo vệ nguồn cung cấp lương thực trong tương lai cho con người đã được đánh dấu bằng ngày 19-6-2006, ngày khởi công xây dựng căn hầm lưu trữ hạt giống những cây trồng quan trọng nhất trên thế giới ở thị trấn Longyearbyen trên đảo Spitzbergen- đảo lớn nhất của quần đảo Svalbard (Na Uy).
Đối mặt với thảm họa tiệt chủng cây trồng

Thủ tướng các nước Bắc Âu (từ trái sang phải): Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Iceland và Đan Mạch tại lễ khởi công xây dựng Ngân hàng Hạt giống Svalbard.
Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (UNFAO) ước tính thế giới chúng ta đã đánh mất tới 75% nguồn đa dạng gien cây trồng. Ngay cả tại Mỹ, một nước công nghệ phát triển cao, có 7.100 giống cây táo thời thế kỷ 19, nhưng đến nay có tới 6.800 giống táo đã không còn tồn tại trên thế gian này nữa!
Cary Fowler, thư ký điều hành của Global Crop Diversity Trust (GCDT- Quỹ quốc tế đa dạng cây trồng toàn cầu), cho biết: Sự đa dạng cây trồng trên thế giới bị đe dọa không chỉ bởi các biến cố lớn như chiến tranh hạt nhân, mà còn bởi thiên tai, tai nạn, sự quản lý yếu kém và thậm chí là sự thiếu hụt ngân sách.
Trong nông nghiệp, việc bảo tồn, phục tráng, lai tạo các giống cây trồng mới phụ thuộc rất nhiều vào việc tích cóp các chủng loại cây trồng và cây dại có họ hàng với chúng. Ngân hàng hạt giống vì thế đóng vai trò hết sức quan trọng. Hầu như quốc gia nào cũng lập ra các cơ sở lưu trữ những mẫu giống cây trồng của nước mình. Tính đến nay, các mẫu giống cây trồng, trong đó có các loại phổ biến như lúa mì, khoai tây, táo, được lưu trữ rải rác tại khoảng 1.400 cơ sở phân bố trên toàn thế giới.
Vấn đề đặt ra là tất cả các cơ sở đó đều chịu nhiều nguy cơ từ các vấn đề ở địa phương. Chẳng hạn, cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan và thảm kịch diệt chủng ở Rwanda năm 1994 đã đồng thời gây tai họa cho nguồn giống cây trồng. Hàng chục giống cây đặc chủng đã bị “giết chết”.
Ngân hàng hạt giống của các nước này cũng bị tàn phá tan hoang, làm biến mất hoàn toàn nguồn gien nhiều giống cây. Có thể nói rằng đây chính là thảm họa tiệt chủng cây trồng. Tình cảnh thúc bách đó đã khiến những người có tâm huyết phải suy nghĩ tìm cách giải quyết. Và giải pháp đưa ra là xây dựng Ngân hàng Hạt giống quốc tế để tập trung tất cả các giống cây trồng trên toàn thế giới về một mối tại một nơi an toàn nhất.
Những hạt giống có sức sống hàng ngàn năm
Sau khi có kế hoạch xây dựng một ngân hàng lưu trữ hạt giống, nhiều địa điểm đã được cân nhắc với tiêu chí hàng đầu là an toàn và môi trường tốt. Cuối cùng, quần đảo Svalbard (Na Uy) nằm gần Bắc cực đã được chọn. Công tác chuẩn bị được Chính phủ Na Uy và GCDT bắt đầu từ năm 2004 và đến giữa năm 2006 thì khởi công.
Không giống các ngân hàng hạt giống hiện nay là phụ thuộc vào hệ thống làm lạnh nhân tạo, Svalbard được chọn do gần Vòng Bắc cực, một vị trí sẽ giúp SISV tận dụng được tính chất băng hà vĩnh cửu của vùng này, bản thân đã là một tủ lạnh thiên nhiên tuyệt vời để đảm bảo được nhiệt độ sẽ không bao giờ cao hơn độ đông lạnh.
Ngoài ra, vị trí này còn giúp SISV cách ly với phần còn lại của thế giới đầy biến động. Hoặc giả như có ai đó mang ý đồ xâm nhập, thì trước khi đối mặt với hệ thống bảo vệ tối tân của SISV, họ sẽ phải chạm trán với những đối thủ nổi tiếng nặng ký và dữ tợn: gấu Bắc cực. Gấu Bắc cực sinh sống tự do tại Svalbard và chắc rằng chúng cũng hết sức vui lòng làm “vệ sĩ” cho SISV.
Ngân hàng SISV đặc biệt này sẽ lưu trữ giống cây trồng trong một cái hầm khoan sâu 70m vào lòng núi, ngăn cách với bên ngoài bằng hai tấm cửa thép dày nặng, và được vận hành từ xa - từ Thụy Điển. Các hạt giống sẽ được trữ trong những túi đất được cấp đông ở nhiệt độ –180C, đảm bảo chúng đủ sức sống qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
Dự án xây hầm chứa có kinh phí khoảng 4,8 triệu USD, và sẽ khai trương hoạt động vào tháng 9-2007. Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg khẳng định hầm chứa này có tầm quan trọng quốc tế, và tuyệt đối an toàn trong bất kỳ trường hợp nào, dù là chiến tranh hay thảm họa thiên nhiên.
SISV - hệ thống dự phòng cho Hành tinh xanh
Ý tưởng xây dựng một ngân hàng hạt giống chung cho thế giới đã nhen nhóm từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc nảy sinh, trong đó có vấn đề quyền sở hữu đối với nguồn gien cây trồng, đã làm kế hoạch bị trì hoãn cho đến khi UNFAO thông qua Hiệp ước quốc tế về Nguồn gien cây trồng lương thực và nông nghiệp năm 2001.
Theo đó, với dự án SISV, Na Uy chỉ sở hữu phần cơ sở hạ tầng của hầm chứa, còn các nước đóng góp hạt giống vẫn được bảo đảm quyền sở hữu nguồn gien cây trồng mà họ ký gởi. Các nước đang phát triển sẽ được Tổ chức GCDT hỗ trợ chi phí cho việc chuẩn bị và ký gởi hạt giống.
SISV sẽ hoàn thành và bắt đầu nhận hạt giống ký gởi vào năm 2007. Trong trường hợp một giống cây bị mất đi vì thảm họa thiên nhiên, hoặc vì chiến tranh và ngân hàng giống địa phương cũng bị hủy hoại, chính phủ đất nước đó có thể yêu cầu SISV cung cấp hạt giống thay thế.
Như vậy, SISV là hệ thống dự phòng cho Hành tinh xanh, có vị thế quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ đa dạng sinh học và giúp đỡ các nước đang phát triển - vốn thiếu thốn trang thiết bị lưu trữ - bảo tồn nguồn gien thiên nhiên. Vì lẽ đó, SISV cũng được xem là vị cứu tinh cuối cùng trong trường hợp hạt giống ở những ngân hàng khác bị hủy hoại.
BẢO TRÚC
(Theo Technewsworld, Guardian)
Ngân hàng hạt giống an toàn số 1 thế giới
* Mục đích: Bảo tồn sự đa dạng cây trồng bất chấp thảm họa thiên nhiên hoặc thảm họa do con người gây ra.
* Đặc tính: - Nằm sâu 70m trong một ngọn núi sa thạch đóng băng vĩnh cửu.
- Được gia cố bằng các bức tường bê tông dày 1m.
- Có hệ thống làm lạnh chạy bằng điện năng.
- Được thiết kế có khả năng giữ đông trong trường hợp mất điện.
* Các bên tham gia dự án:
- Chính phủ Na Uy.
- Global Crop Diversity Trust (GCDT - Quỹ quốc tế hỗ trợ bảo tồn đa dạng cây trồng toàn cầu).
- UNFAO (Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc).