Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2

Ngân hàng máu sống ở vùng đất thép

Ngân hàng máu sống ở vùng đất thép

Một bệnh nhân vào cấp cứu bị gãy giập nát xương đùi và cẳng chân trái đang cần 5 đơn vị máu. Trong khi các y bác sĩ đang tìm nguồn máu truyền và phẫu thuật cho người bệnh, lại thêm một người khác chuyển vào trong tình trạng thủng bụng, xuất huyết nội mất trên 3 lít máu. Nguồn máu dự trữ tại chỗ không đủ, còn ngân hàng máu thành phố thì mất trên 2 giờ chạy xe. Không một chút đắn đo, 12 y bác sĩ Trung tâm Y tế (TTYT) Củ Chi tình nguyện tiếp máu cứu bệnh nhân.

  • Cứu người như cứu hỏa
Ngân hàng máu sống ở vùng đất thép ảnh 1

Bệnh nhân Nguyễn Văn Đoàn bị gãy phức tạp đùi và cẳng chân trái, được các y bác sĩ TTYT Củ Chi hiến 5 đơn vị máu phẫu thuật giữ phần chân gãy (ảnh chụp ngày 22-2).

Đứng phụ mổ từ sáng đến nửa đêm, mọi sự mệt nhọc của điều dưỡng (ĐD) khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Nguyễn Thành Long sớm tan biến khi nhìn ca phẫu thuật thứ 5 trong ngày bị vỡ toàn bộ gan, máu chảy ồ ạt không thể cầm.

Không chút do dự, anh Long bàn giao việc cho một đồng nghiệp khác, sang phòng bên cạnh xét nghiệm nhanh nhóm máu B của mình. Vài mươi phút sau, anh quay trở lại truyền máu cho bệnh nhân.

Ca mổ kéo dài đến 3 giờ sáng, anh tiếp tục thức cùng các đồng nghiệp để chăm sóc người bệnh. 7 giờ 30 sáng, không kịp nghỉ ngơi, anh lại lao vào công việc hành chánh, dù có thể xin phép được nghỉ dưỡng sức nhưng anh từ chối - “hiến máu cứu người là chuyện nhỏ ấy mà”.

Đang chăm sóc cho bệnh nhân tại khoa ngoại tổng quát, chợt có thông báo một sản phụ bị băng huyết cần truyền nhóm máu A, ĐD Trần Thị Thúy Hằng đã không ngần ngại chạy nhanh sang phòng thử máu. 45 phút sau, một đơn vị máu A của chị đã góp phần cứu sống bệnh nhân.

Về đến khoa của mình, các đồng nghiệp ngạc nhiên khi nhìn thấy chị lên xe cứu thương để… chuyển một bệnh nhân khác bị tắc ruột lên BV Cấp cứu Trưng Vương. Trở về khoa làm việc, chị vẫn với nụ cười rạng rỡ: “Cứu người như cứu hỏa đấy mà! Mình chịu mệt một chút, còn hơn đau đớn khi nhìn bệnh nhân tử vong”.

Dáng người cao và “mi nhon”, dược sĩ Nguyễn Thị Tâm đã từng đi bộ đội ở đất bạn Campuchia và từng hiến máu trực tiếp cho một đồng đội bị thương. Lúc ấy chỉ mới 20 tuổi, khi nghe lãnh đạo báo có một anh thương binh cần nhóm máu O, chị đã hét to lên tình nguyện vì biết mình có cùng nhóm máu với anh ấy. Sau khi được cứu sống, người thương binh tặng chị tấm ảnh chân dung của anh với cái tên Nguyễn Hồng Thanh.

Từ năm 1978 đến nay, chị Tâm vẫn còn mang theo tấm ảnh trắng đen bên mình để làm kỷ niệm, dù không biết đồng đội của mình hiện đang ở đâu. Về TTYT Củ Chi, với tình thần “vì nước quên thân, vì dân quên mình”, chị đã làm cho các đồng nghiệp ngạc nhiên khi vừa hiến máu nhân đạo xong trước đó 5 ngày, khi một bệnh nhân bị vỡ gan-lá lách cần máu phẫu thuật, chị liền xung phong cho tiếp một đơn vị máu nữa.

  • Những giọt máu đào

Giám đốc TTYT Củ Chi Nguyễn Văn Châu cho biết, ngân hàng máu tại trung tâm dự trữ khoảng 20-30 đơn vị máu, mỗi nhóm máu có 5-8 đơn vị. Nhu cầu máu sử dụng cho mổ cấp cứu và chấn thương rất lớn, 40-50 đơn vị máu/tuần. Ưu tiên của bác sĩ là sử dụng nguồn máu dự trữ, không đủ thì vận động người nhà của bệnh nhân cho máu.

Việc sử dụng máu của nhân viên y tế trong trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân đang trong hoàn cảnh giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp thiếu máu khẩn cấp xảy ra, trung tâm cầu cứu đến BV Truyền máu - huyết học, Chợ Rẫy, Trưng Vương, Nhân dân 115, TTYT Hóc Môn,… cũng không huy động đủ nhóm máu cần thiết để truyền cho bệnh nhân.

Phó chủ tịch Công đoàn TTYT Củ Chi Phạm Thị Ngọc-người đã 3 lần hiến máu phong trào và 4 lần hiến trực tiếp cứu bệnh nhân, cho chúng tôi xem cả một danh sách 115 cán bộ-công nhân viên sẵn sàng tình nguyện hiến máu trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều người ví von rằng, họ là “ngân hàng máu sống ở vùng đất thép”, dù đang ở đâu, làm gì, giờ nào họ đều sẵn sàng có mặt để hiến máu cứu người bệnh.

Không ít bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh đang làm việc tại phòng khám khu vực Phước Thạnh, Trạm y tế Phú Hòa Đông, Tân Phú Trung cách xa TTYT Củ Chi hàng chục cây số vẫn tình nguyện về hiến máu trong trường hợp khẩn cấp. Không những thế, đáp ứng lời kêu gọi của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, “ngân hàng máu sống ở vùng đất thép” sau 3 đợt đã hiến 276 đơn vị, cung cấp cho các BV thành phố nhiều nhóm máu khác nhau.

Dù nơi công tác ở một cơ sở y tế vùng ngoại thành, đảm trách công việc quá tải, thu nhập còn kém xa nhiều BV của thành phố, nhưng những người thầy thuốc trẻ từng nhiều lần hiến máu cứu bệnh nhân như BS Phan Thanh Lê-phòng lọc máu ngoài thận, ĐD Nguyễn Công Lục-khoa ngoại tổng quát, trung cấp dược Nguyễn Thị Hoàng Yến-khoa hồi sức cấp cứu đều có chung suy nghĩ: vì sức khỏe người bệnh, làm tất cả những gì có thể. Việc chăm sóc, điều trị, phục vụ cho bệnh nhân không chỉ dừng lại ở những cái máy, viên thuốc, lời nói mà còn có tấm lòng, kể cả san sẻ những giọt máu đào của mình. 

NGỌC TRƯỚC
 

Tin cùng chuyên mục