Chỉ vì sự tắc trách trong việc bảo quản kho điều của các cán bộ Chi nhánh Buôn Ma Thuột - Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, Công ty TNHH Thuận Hòa (ở số 357 Võ Văn Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã mất đi tiền tỉ. Trong khi tòa sơ thẩm TAND TP. Buôn Ma Thuột đã tuyên buộc ngân hàng phải bồi hoàn tiền thất thoát cho doanh nghiệp (DN), tòa phúc thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk lại đưa ra nhiều căn cứ vô lý để ngân hàng không phải bồi thường cho doanh nghiệp.
“Bán lụi” tài sản DN
Theo đơn tố cáo của bà Lê Thị Yến (Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hòa), từ ngày 24-4-2011 đến ngày 17-8-2011, công ty này đã ký 3 hợp đồng cầm cố 177,960 tấn hạt điều khô loại 1 (tương ứng số tiền hơn 6,1 tỉ đồng) với Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam tại Chi nhánh Buôn Ma Thuột - để vay 3 tỉ đồng.
Trong điều khoản hợp đồng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bảo quản và niêm phong kho điều đến khi bán thanh lý hợp đồng. Nếu xảy ra trường hợp mất mát hoặc hư hỏng kho điều, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Thực hiện hợp đồng, công ty đã giao 177,960 tấn hạt điều khô cho ngân hàng và mua bảo hiểm cháy nổ toàn bộ hàng hóa, phun thuốc khử trùng định kỳ theo yêu cầu của ngân hàng.
Kho hạt điều khô của Công ty Thuận Hòa được giao cho Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam - Chi nhánh Buôn Ma Thuột bảo quản. Ảnh CÔNG HOAN.
Đến ngày 11-1-2012, một cơn mưa lớn đã làm nước chảy tràn vào kho chứa hạt điều khô. Thấy vậy, người của công ty, nhân viên bảo vệ kho điều của ngân hàng đã nhiều lần gọi điện cho ông Võ Thanh Phong (Giám đốc Chi nhánh Buôn Ma Thuột của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam) và bà Nguyễn Thị Hiền (Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh Buôn Ma Thuột). Nhưng ngân hàng không có bất kỳ biện pháp nào để xử lý và 3 ngày sau nhân viên ngân hàng mới có mặt ở kho điều. “Khi kho điều được mở ra, tôi đã đề nghị ngân hàng cho phơi không thì hỏng hết. Nhưng cán bộ ngân hàng bảo làm vậy sẽ tốn thời gian và chi phí, nên họ chỉ cho người đảo điều (tức di chuyển điều sang chỗ khô - PV) mà thôi. Vì thế, phần lớn hạt điều đã bị ẩm ướt, hư hỏng và giảm chất lượng”, bà Yến cho hay.
Sau đó, các cán bộ ngân hàng đã tự ý tổ chức bán hết kho điều khô mà không hề thông báo trước với Công ty Thuận Hòa. “Chúng tôi chỉ biết được sự việc khi ngân hàng tiến hành bán điều, nhưng họ không hề thông báo giá bán, số lượng bao nhiêu cho chúng tôi biết. Chỉ sau khi công ty nhiều lần khiếu nại tới thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 23-3-2013 (sau hơn 1 năm kể từ ngày bán - PV) cán bộ tín dụng của ngân hàng là ông Trương Xuân Nam mới giao toàn bộ chứng từ bán kho điều cầm cố cho công ty. Lúc này, công ty mới biết ngân hàng đã làm thất thoát hơn 18,2 tấn hạt điều (trị giá hơn 628 triệu đồng) và bán hơn 159,6 tấn hạt điều còn lại nhưng chỉ thu về được gần 2,765 tỉ đồng”, bà Yến bức xúc.
Tòa án tỉnh bao che ngân hàng?
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29-3-2016, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tuyên buộc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam - Chi nhánh Buôn Ma Thuột phải bồi thường thiệt hại thực tế so với giá điều loại 1 lúc nhập vào hơn 3,368 tỉ đồng cho Công ty Thuận Hòa. Theo bản án, ngân hàng đã vi phạm hợp đồng khi thiếu trách nhiệm trong việc để kho điều bị ướt, bị hao hụt và xuống cấp. Trong khi đó, ngân hàng còn tự ý bán tài sản cầm cố cho người khác và ngay cả việc bán tài sản phía ngân hàng cũng không thông báo cho công ty biết (theo quy định của hợp đồng là báo trước ít nhất 7 ngày). Nhưng khi có khách hàng đến mua và cân hàng, phía ngân hàng mới báo cho công ty đến chứng kiến, mà không được sự thỏa thuận hay bàn bạc gì về giá cả, trọng lượng. Đồng thời, khi ngân hàng bán hết điều trong kho cũng không cho công ty biết bán được bao nhiêu tấn, thu bao nhiêu tiền? Như vậy, lỗi hoàn toàn thuộc về phía ngân hàng và ngân hàng phải chịu toàn bộ những thiệt hại đã gây ra cho Công ty Thuận Hòa.
Tuy nhiên, tại bản án phúc thẩm ngày 29-7-2016, TAND tỉnh Đắk Lắk lại đưa ra phán quyết chỉ chấp nhận buộc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam -Chi nhánh Buôn Ma Thuột bồi thường cho Công ty Thuận Hòa hơn 18,2 tấn hạt điều khô bị mất, còn việc chất lượng điều và giá điều bị giảm sút thì hai bên đều có lỗi nên phải mỗi bên phải chịu 50%. Theo tòa phúc thẩm, khi mua bán điều thì ông Mai Xuân Lâm (chồng bà Yến) đã liên lạc và thỏa thuận giá bán điều với người mua điều. Sau đó, ông Lâm còn đi với cán bộ ngân hàng là ông Trương Xuân Nam đến ngân hàng nộp tiền. Nhưng ông Mai Xuân Lâm cho biết: “Tôi nghe cán bộ ngân hàng nhờ gọi người mua điều thì tôi gọi giúp cho họ, còn việc họ mua bán điều thế nào với ngân hàng thì họ không cho tôi biết. Việc tôi đi lên ngân hàng ký nộp tiền là để xác nhận mình trả nợ cho ngân hàng mà thôi”.
Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn cho rằng khi hai bên cân điều đã không trừ bì nên số lượng điều thực tế thấp hơn số lượng điều trong hợp đồng là 177,960 tấn. “Tòa phúc thẩm bảo chúng tôi cân không trừ bì là không đúng, khi cân cả hai bên đã thỏa thuận cân theo từng lô và trừ bì rồi. Trong hợp đồng cũng đã ghi rõ số lượng, nhưng không hiểu sao tòa phúc thẩm lại cố tình bao che cho ngân hàng để chèn ép doanh nghiệp”, bà Yến bức xúc.
Theo luật sư Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk), việc tòa phúc thẩm dựa vào căn cứ mua bán điều giữa ông Lâm và người mua điều để phán quyết Công ty Thuận Hòa đã thỏa thuận giá cả, số lượng mua bán điều là không đúng. “Ông Lâm chỉ là chồng bà Yến, chứ không làm chức danh gì trong Công ty Thuận Hòa nên không có vai trò pháp nhân trong việc này. Trong khi đó, hợp đồng thế chấp tài sản cầm cố kho điều được bà Lê Thị Yến (Giám đốc Công ty Thuận Hòa - PV) ký với đại diện của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam - Chi nhánh Buôn Ma Thuột. Chỉ có bà Yến mới đủ tư cách pháp nhân để thỏa thuận giá cả, số lượng bán điều với ngân hàng. Vì thế, việc tòa phúc thẩm không tuyên buộc ngân hàng bồi thường thiệt hại cho Công ty Thuận Hòa hơn 3,3 tỷ đồng vì vi phạm hợp đồng và làm giảm giá trị kho điều là không đúng quy định pháp luật”, luật sư Tòng chia sẻ.
CÔNG HOAN