
Trong các cuộc cạnh tranh giữa các NH thương mại, cạnh tranh về huy động vốn luôn là “mặt trận” lớn. Từ đầu tháng 10 đến nay, cuộc cạnh tranh này càng nóng lên khi TTCK đã có dấu hiệu hồi phục.
Áp lực lớn

Ngân hàng thu hút khách bằng nhiều chính sách khuyến mãi. Ảnh: Phạm Học Hữu
Thời điểm TTCK xuống dốc, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân chảy vào NH nhiều hơn, thể hiện tổng vốn huy động của các NH những tháng trước đây tăng trưởng từ 35%-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi đó, không ít NH rơi vào tình trạng thừa vốn. Cùng với việc NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhiều NH phải chọn giải pháp giảm lãi suất huy động vốn để giảm chi phí đầu vào.
Đến thời điểm này, khi TTCK hồi phục, tất yếu tiền sẽ đổ mạnh vào TTCK. Dù không có nghĩa người dân sẽ rút hết tiền gửi NH để đổ vào TTCK nhưng áp lực giữ chân khách hàng tiền gửi đang rất lớn. Do vậy, NH nào cũng có chính sách lãi suất, trúng thưởng, tặng quà, tặng bảo hiểm… Loại hình tiền gửi ngày càng đa dạng hơn, khách hàng tiền gửi ngày càng khó tính hơn, đã tạo ra cuộc đua ưu đãi tiền gửi giữa các NH. Sacombank, VIB Bank bỏ hàng tỷ đồng để tặng nón bảo hiểm cho khách hàng tiền gửi; SCB, Eximbank… triển khai liên tiếp các chương trình tiết kiệm dự thưởng với những giải thưởng rất có giá trị để thu hút khách hàng.
Giải thích về việc tung ra các chương trình khuyến mãi rầm rộ, ngoài thu hút vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay những tháng cuối năm, nhiều NH cho biết điều này còn nhằm duy trì thương hiệu của NH trong sự quan tâm và lựa chọn của khách hàng. Vì thế, khuyến mãi luôn là chính sách được các NH lựa chọn nhiều hơn là tăng lãi suất
Từ tháng 2-2008 toàn bộ tài khoản tiền để đầu tư CK của nhà đầu tư sẽ được chuyển về NH quản lý, thay vì các CTCK như hiện nay. Do vậy, việc chạy đua kết nối trực tuyến với các CTCK, các NH như DongABank, ACB và OCB… đang gấp rút triển khai nhiều tiện ích cho tài khoản giao dịch. Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank. NH nào phối hợp tốt với CTCK, tạo nhiều tiện ích cho các nhà đầu tư thì về lâu dài sẽ có lợi thế trong việc huy động vốn rẻ và ổn định.
NH ngoại vào cuộc
Theo khảo sát của NH Standard Chartered (SC) tại Việt Nam, phần lớn khách hàng mong muốn tài khoản tiết kiệm tại NH cũng sẽ là tài khoản giao dịch, có thể rút tiền, gửi tiền, chuyển khoản… nhưng được hưởng lãi suất cao hơn lãi suất không kỳ hạn của tài khoản thanh toán hiện nay.
Trong khi đó, nhiều khách hàng cho biết các NH rất ít cung cấp các bảng sao kê tiền gửi cho khách hàng, điều này làm khách hàng rất khó trong việc quản lý tài chính của mình. Nắm bắt nhu cầu này, SC vừa tung ra 2 sản phẩm mới là tài khoản vãng lai “Power Saver” và “Business Saver”.
Theo đó, “Power Saver” cho phép khách hàng có thể gửi tiền vào và rút tiền ra bất cứ lúc nào. Hàng tháng khách hàng sẽ được nhận bảng sao kê tài khoản miễn phí. Đối với các tài khoản bằng tiền đồng với số dư trên 150 triệu đồng, sẽ được hưởng lãi suất đến 5%/năm; số tiền gửi từ 15-149 triệu đồng lãi suất là 3,5%/năm và số dư từ 5-14 triệu đồng lãi suất là 2%/năm. Đối với các tài khoản USD, lãi suất được ấn định ở mức 3%/năm đối với số dư là 10.000 USD trở lên… Mở các tài khoản này khách hàng còn được tư vấn hợp đồng bảo hiểm, tư vấn vay mua nhà, đầu tư CK… Riêng tài khoản “Business Saver” có mức lãi suất lên đến 3,5%/năm.
Thanh Thiên