Những năm gần đây, lãng phí thực phẩm là một vấn đề nổi cộm ở cả các nước đang phát triển lẫn nước phát triển. Không chỉ gây tốn kém chi phí xã hội, mà nó còn góp phần làm phát sinh các vấn đề về môi trường, vì sản xuất thực phẩm đòi hỏi tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên đất, nước, phân bón, năng lượng, đông lạnh, vận tải… Riêng tại châu Âu, câu chuyện làm cách nào để ngăn tình trạng lãng phí này đang trở thành một trong những chủ đề được dư luận quan tâm.
Tại Đan Mạch, một siêu thị bán thực phẩm mang tên WeFood đã ra đời tại Copenhagen với mặt hàng chủ yếu là thực phẩm gần quá hạn sử dụng hoặc tới hạn sử dụng, thực phẩm bị hư hỏng được bán với mức giá thấp hơn từ 30% - 50% so với các cửa hàng khác. Điểm độc đáo là các tình nguyện viên của cửa hàng sẽ nhận thực phẩm thừa từ các đối tác cung ứng sản phẩm cho siêu thị, thay vì mua những thực phẩm có hạn sử dụng còn nhiều. Ngày đầu tiên khai trương, WeFood đã có hàng trăm khách đến mua hàng. Theo Bộ trưởng Thực phẩm và Môi trường Đan Mạch Eva Kjer Hansen, WeFood không chỉ hướng đến mục tiêu là các khách hàng có thu nhập thấp. Cửa hàng ra đời nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm thực phẩm, thay vì vội vàng vứt chúng vào sọt rác khi thấy chất lượng không còn như lúc ban đầu thì người tiêu dùng nên xem có thể sử dụng được không. Lợi nhuận thu được từ WeFood sẽ dùng để hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các nước phát triển.
Mới đây, Thượng viện Pháp thông qua quy định mới cấm các siêu thị tại Pháp vứt hoặc làm hư hỏng thực phẩm không bán được và yêu cầu các cửa hàng ủng hộ cho tổ chức từ thiện. Luật sẽ áp dụng với bất kỳ siêu thị nào có diện tích từ 400m2 và áp dụng mức phạt 3.750 EUR (4.124 USD) nếu vi phạm. Trước đó, Pháp đã ban hành một số quy định nhằm tuyên chiến với thói quen lãng phí thực phẩm và những quy định này đã làm bùng lên không ít tranh luận tại quốc gia có nền ẩm thực lừng danh thế giới này. Theo quy định mới, các nhà hàng phục vụ ít nhất 150 suất ăn/ngày trở lên phải có các biện pháp phòng chống lãng phí thực phẩm, ví dụ như phải phân loại rác hữu cơ dễ phân hủy. Bên cạnh đó, dù pháp luật không bắt buộc, nhưng rất khuyến khích các nhà hàng có sẵn hộp, túi mang thức ăn thừa về cho thực khách. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, gói đồ ăn thừa mang về là điều không còn xa lạ. Vì vậy, việc chính phủ khuyến khích mang đồ ăn thừa về đã nhận được những phản ứng tích cực. Tuy nhiên, vẫn có không ít người dân Pháp chưa quen với khái niệm này.
Báo cáo của Chương trình “Hành động vì rác thải và nguồn tài nguyên” của Anh (WRAP) cho biết mỗi năm trên toàn thế giới có 280 triệu tấn lương thực thực phẩm bị vứt bỏ do hư hỏng, quá hạn sử dụng, gây lãng phí đến hơn 400 tỷ USD. Tình trạng này diễn ra nặng nề nhất ở các nước châu Á, tiếp đến là châu Âu và Bắc Mỹ. Theo WRAP, hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD lương thực thực phẩm có thể được cứu nếu người tiêu dùng thận trọng hơn. Mô hình chống lãng phí thực phẩm ở châu Âu bước đầu có thể gặp khó khăn nhưng nếu ý thức của người dân được nâng cao thì mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, tiết kiệm được khoản tiền lớn cho nền kinh tế của các nước.
THANH HẰNG