Ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát

Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật lớn nhất nước với mức tiêu thụ hàng ngày 750-850 con trâu bò, 8.500-10.000 con heo, 110.000-120.000 gia cầm và khoảng 250-300 tấn sản phẩm động vật nhập khẩu, 3,2-3,5 triệu trứng gia cầm.

Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật lớn nhất nước với mức tiêu thụ hàng ngày 750-850 con trâu bò, 8.500-10.000 con heo, 110.000-120.000 gia cầm và khoảng 250-300 tấn sản phẩm động vật nhập khẩu, 3,2-3,5 triệu trứng gia cầm.

Bên cạnh nguồn hàng cung cấp tại chỗ, đa phần đều từ các tỉnh thành khác đưa về. Điều này cho thấy, nếu TPHCM lơ là trong việc quản lý chăn nuôi hay yếu kém trong khâu kiểm soát, vận chuyển kiểm dịch và giết mổ sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường. Bởi gia súc gia cầm từ các địa phương vận chuyển về TPHCM rất dễ dẫn đến nguy cơ mầm bệnh tại chỗ có dịch bệnh sẽ theo vào và có thể lây lan cho các trại chăn nuôi của TP, đặc biệt là các trại cung cấp con giống.

Việc dịch cúm gia cầm xuất hiện và lây lan đến 10 tỉnh thành và đã có 2 người tử vong vì tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, báo hiệu những điều đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh virus cúm gia cầm có sự biến đổi nên hiệu lực vaccine bị hạn chế. Điều này cần được cảnh báo để người chăn nuôi nói riêng và người tiêu dùng nói chung không được xem thường dịch bệnh này.

Trong khi đó, theo Cục Thú y, từ năm 2007 đến nay, dịch heo tai xanh (PRRS) thường xuất hiện sau Tết Âm lịch, vào khoảng tháng 3, tháng 4 và có tính chất chu kỳ 2-3 năm/lần. 2010 là năm đại dịch heo tai xanh, trong khi với người chăn nuôi heo TPHCM năm 2011 là năm thành công mọi mặt về giá cả, không dịch bệnh. Vì vậy, không loại trừ năm nay lại xảy ra những khó khăn mới cho người chăn nuôi vì chu kỳ của dịch bệnh và trước nhận định của Chi cục Thú y TPHCM cho rằng, dịch bệnh heo tai xanh (PRRS) có khả năng xảy ra trên địa bàn TP năm 2012 do áp lực dịch bệnh từ các tỉnh trong khu vực. Trong lúc đó, dịch bệnh lở mồm long móng thường xuyên xuất hiện luôn đe dọa đàn gia súc.

Điều này cho thấy, nếu TPHCM không có các biện pháp phòng chống dịch bệnh an toàn, việc xuất hiện dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh việc tổ chức lại việc chăn nuôi gia cầm, tổ chức lại việc giết mổ tập trung gia súc và gia cầm, phân định đường vận chuyển gia súc gia cầm để tiện việc kiểm soát và kiểm dịch, việc tiêm phòng và xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là yếu tố cơ bản để phòng thủ từ xa trước những nguy cơ từ các nơi. Tỷ lệ tiêm phòng các loại bệnh bắt buộc trên đàn gia súc, gia cầm vào loại cao nhất nước của TPHCM đã góp phần đáng kể khi dịch bệnh các nơi xuất hiện và nếu có sẽ hạn chế lây lan.

Từ một vài cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh trước đây, TPHCM hiện nay đã có 10 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh là bước tiến dài và đúng hướng. Đây là điều căn cơ nhất để tiến tới việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục