Ngăn ngừa hành xử bạo lực

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm việc xảy ra nhiều vụ hành xử bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều khi vì nguyên do không đáng như va quẹt xe nhẹ nhưng dẫn đến xô xát, đâm chém, án mạng. Với tinh thần đầy trách nhiệm, nhiều bạn đọc quan tâm tình trạng này đã phân tích nguyên nhân và góp ý giải pháp khắc phục.
Ngăn ngừa hành xử bạo lực

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm việc xảy ra nhiều vụ hành xử bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều khi vì nguyên do không đáng như va quẹt xe nhẹ nhưng dẫn đến xô xát, đâm chém, án mạng. Với tinh thần đầy trách nhiệm, nhiều bạn đọc quan tâm tình trạng này đã phân tích nguyên nhân và góp ý giải pháp khắc phục.

Việc trang bị cho học sinh kỹ năng sống rất cần thiết, giúp trẻ kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân.
Ảnh: C.T.V.

Tạo môi trường lành mạnh

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2010 đến nay có tới 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau và bị xử lý kỷ luật. Tỷ lệ phạm pháp của đối tượng ngày cũng ngày càng nhiều. Nguyên nhân của vấn nạn này do thiếu sự giáo dục chu đáo từ gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi hình thành tính cách của một đứa trẻ. Nhưng hàng ngày, hàng giờ trẻ phải chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình, cha mẹ không chỉ la mắng, xúc phạm lẫn nhau về tinh thần, mà còn bạo hành nhau. Người chịu thiệt thòi nhiều nhất lúc này là những đứa con. Từ chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình, dẫn đến các em cảm thấy chán nản khi bước chân tới trường. Rồi đem những bực dọc và cả thói bạo hành trút lên bạn bè khi đụng chuyện. Trẻ sẽ nhập tâm tất cả những hành vi bạo lực này, chúng có thể khắc sâu thành những đường nét trong nhân cách và bộc lộ ra bên ngoài một cách dễ dàng, và hơn thế nữa nó mang theo suốt cuộc đời trong mỗi học sinh đến khi tuổi trưởng thành.

Trong khi đó, những đồ chơi, truyện tranh, những bộ phim, game trực tuyến... đầy tính chất bạo lực, xuất hiện ồ ạt trên các phương tiện truyền thông mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng cũng như về phía gia đình. Trẻ thường làm theo, học theo những hành vi bạo lực ấy, đưa ra ngoài cuộc sống và vào nhà trường, gây nên nhiều vụ việc đau lòng với những hệ quả không thể lường trước được. Những đối tượng là trung tâm gây rối hay kiếm cớ gây rối trật tự nơi công cộng, ẩu đả ngoài đường chỉ vì những chuyện nhỏ cũng từng là các cô cậu học trò như vậy.

Chúng ta tập trung quá mức cho việc dạy kiến thức nhưng bỏ quên việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Khi mất đi lòng yêu thương, mất chỉ số cảm xúc thì chính lúc cái ác trỗi dậy. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là khẩu hiệu mà cả nhân loại đang thực hiện. Muốn vậy, chúng ta hãy tạo cho các em một môi trường phát triển lành mạnh, yên ổn. Mỗi bậc cha mẹ hãy là những người bạn, lắng nghe các con để chỉ bảo tận tình và là tấm gương sống cho con cái. Mỗi thầy cô hãy như một bậc cha mẹ, dạy dỗ và làm gương cho các em mọi nơi, mọi lúc. Mỗi cấp chính quyền, mỗi ngành hãy chung tay góp sức tạo dựng kỷ cương cho một xã hội hướng thiện lành mạnh không có bạo lực.

Để ngăn chặn nạn bạo lực thật khó nếu chỉ bằng những quy định pháp luật, những biện pháp hành chính mà  phải bằng tuyên truyền, cảm hóa lâu dài với nhiều giải pháp. Việc giáo dục, tuyên truyền áp đặt, sáo mòn sẽ không hiệu quả, có khi phản tác dụng. Cần tìm ra những cách phổ biến, quảng bá, cách làm mới mẻ, hấp dẫn. Xã hội thượng tôn tinh thần nhân văn, nhân ái, ứng xử thanh lịch, văn minh, gia đình gìn giữ gia phong, nhà trường là vườn ươm đức tài.

DIỆP VĂN SƠN

“Mệt mỏi dễ sinh nông nổi”

Lúc còn đi dạy, tôi hỏi học sinh sao các em lười học môn Sử vậy. Các em đưa cho tôi xem quyển sách giáo khoa môn Sử và “tài liệu ôn thi” học kỳ gần 20 trang A4 hai mặt. Quả thật nếu là học sinh thời nay có lẽ tôi cũng ngán môn Sử. Trong khi đó, các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn… chương trình quá nặng, giáo viên chạy theo chương trình, học sinh chạy theo các lớp học thêm. Áp lực học tập khiến con người mệt mỏi. Và “mệt mỏi dễ sinh nông nổi”. Hãy hỏi học sinh ở bất cứ cấp học nào, xem các em có sợ ở lại lớp hay bị điểm kém không? Các em sẽ cười tự tin vì biết nhà trường không “dám” cho học trò ở lại lớp, vì như vậy ban giám hiệu và giáo viên sẽ mất điểm thi đua, không đạt thành tích.

Từ tâm lý không lo ở lại lớp, không sợ thầy cô giáo kỷ luật. Bởi lẽ bây giờ thầy cô la mắng học sinh là “xúc phạm đến nhân phẩm” của các em. Do vậy, học sinh dị ứng với bài vở phải học ngày học đêm đến mệt mỏi, ảnh hưởng đến thần kinh, học chỉ để chạy đua với chương trình, vì ba mẹ ép buộc, chứ không hứng thú và không chút đam mê.

Vì sao người ta lại dễ dàng hành xử bạo lực, thiếu ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức? Câu hỏi đã có lời đáp, nhưng hình như chúng ta chưa bắt tay vào giải quyết cái gốc của vấn đề, vẫn đổ thừa chung chung và cả đổ thừa nhau, rồi thôi. Hãy giảm tải chương trình giáo dục, hãy thẳng tay đánh rớt học sinh học yếu và hạnh kiểm kém, đừng chạy theo thành tích trong giáo dục.

NGUYỄN NGỌC HÀ

Thấm nhuần chữ “nhẫn”

Trước vấn nạn người ta dễ dàng hành xử bạo lực, có thể thấy chương trình giáo dục ở nước ta chưa quan tâm đúng mức việc trang bị cho học sinh kỹ năng sống, đặc biệt là biết ứng xử văn hóa. Nhiều thanh thiếu niên vẫn sẵn sàng hơn thua, thậm chí hành xử bạo lực, không có thói quen tranh luận một cách đàng hoàng, mà thường cãi theo kiểu “lý sự cùn”, trước sự việc mâu thuẫn chỉ nghĩ cách giải quyết hơn thua bằng nắm đấm.

Trong những chuyện học sinh xích mích dẫn đến bạo lực hiện nay, đa số từ những nguyên do không đáng: chê nhau trên Facebook, cãi nhau vì chuyện của lớp... Các em học sinh thường nghĩ trước mắt, không tính đến hậu quả, do thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân. Hôm nay dùng nắm đấm giơ lên thì người phía kia sẽ sợ và chạy trốn, nên tự đắc và tiếp tục, dần dần hình thành một thói quen hung hãn với bạn bè mình.

Một câu chuyện giáo dục chữ “nhẫn” mà học sinh học được ngay từ lúc nhỏ trong sách giáo khoa là chuyện “dê đen dê trắng” qua chiếc cầu hẹp. Không con nào chịu nhường, cuối cùng húc nhau và cả hai đều rơi xuống suối. Nên có những bài học tương tự thật ấn tượng như vậy để học sinh biết ứng xử văn hóa trong tham gia giao thông, giao tiếp, xử sự, xử lý va chạm… Có thể thấy một hiện tượng đáng lo ngại là bây giờ nhiều thanh thiếu niên không biết nhường nhịn mà luôn muốn hơn thua với người khác. Việc học chữ “nhẫn” trong trường qua nhiều cách sẽ hình thành tính cách tốt cho công dân.

KHÁNH HƯNG

Tin cùng chuyên mục