Ngăn thói hành xử bạo lực

Những vụ hành xử bạo lực trong nhóm thanh thiếu niên ở nước ta vẫn cứ tiếp diễn, gây nên sự quan tâm lo lắng cho xã hội. Sau mỗi vụ, chúng ta chỉ thấy vai trò của công an trong việc xử lý, chứ không thấy sự tham gia phân tích, tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp thấu đáo cho việc ngăn ngừa hiện tượng này.
Ngăn thói hành xử bạo lực

Những vụ hành xử bạo lực trong nhóm thanh thiếu niên ở nước ta vẫn cứ tiếp diễn, gây nên sự quan tâm lo lắng cho xã hội. Sau mỗi vụ, chúng ta chỉ thấy vai trò của công an trong việc xử lý, chứ không thấy sự tham gia phân tích, tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp thấu đáo cho việc ngăn ngừa hiện tượng này.

Ngăn thói hành xử bạo lực ảnh 1

Một vụ nữ sinh đánh nhau. Ảnh cắt từ clip

Có thể thấy hình như không ít các em đang đề cao giá trị “giang hồ”, bởi khi được cùng phe cánh với giang hồ thì mình được che chở và được nể trọng. Sự nhận thức sai lệch về giá trị này lại có thể là một phản chiếu về một xã hội mà ở đó có vẻ như giang hồ đang là một sức mạnh. Nhìn vào đời sống hiện nay, chúng ta không khó để nhận thấy việc sử dụng bạo lực đang được xem như một phương tiện hữu hiệu trong làm ăn, kinh doanh của một bộ phận không nhỏ trong đời sống xã hội mà điển hình là những người sống bằng nghề cho vay nặng lãi và một số loại hình kinh doanh khác như quán bar, vũ trường, quán nhậu và việc giải quyết những bất đồng trong đời sống.

Việc các em trong độ tuổi thanh thiếu niên sử dụng bạo lực một cách thường xuyên trong giải quyết bất đồng cũng có thể xuất phát từ những khuôn mẫu hành vi mà các em nhận được trong quá trình xã hội hóa cá nhân ở gia đình và nhà trường. Về mặt xã hội học, xã hội hóa là tiến trình cá nhân được đào luyện, uốn nắn, trang bị các giá trị, chuẩn mực để sau này trở thành một thành viên hợp chuẩn trong xã hội. Tiến trình xã hội hóa trong giai đoạn trẻ thơ trong gia đình và trường học sẽ để lại những dấu ấn sâu đậm nhất nơi cá nhân; do đó, nếu ở giai đoạn này, cá nhân được nhập tâm những khuôn mẫu ứng xử bạo lực thì lớn lên những khuôn mẫu ấy sẽ tự nhiên được các cá nhân tái hiện khi gặp tình huống không như mong muốn trong cuộc sống sau này. Và khi nhìn vào tiến trình này ở gia đình và nhà trường, chúng ta không thể không lo ngại khi bạo lực vật lý (roi vọt) lẫn bạo lực biểu trưng (chửi mắng) thường xuyên được cha mẹ, thầy cô sử dụng trong quá trình dạy dỗ con trẻ.

Thế nên, để có thể giảm bớt được tình trạng bạo lực trong giới thanh thiếu niên nói riêng và trong xã hội nói chung, phải làm sao loại bỏ việc xem bạo lực là một phương tiện hữu hiệu trong giải quyết, xử lý các bất đồng trong xã hội. Muốn vậy thì pháp luật phải rõ ràng, công minh và hữu hiệu để mọi người dân đều có “phản xạ nghĩ về pháp luật” trước tiên, chứ không phải là “nghĩ về bạo lực” trước tiên trong giải quyết vấn đề. Kế đến, phải loại bỏ những hình thức bạo lực trên truyền hình, các trò chơi trực tuyến, vì những hình ảnh này chính là những “mô hình” sẽ nhập tâm vào tâm trí của giới thanh thiếu niên.

LÊ MINH TIẾN
(Đại học Mở TPHCM)

Tin cùng chuyên mục