Ngành công nghiệp “tội lỗi” ở Đông Âu

"Đông Âu đang là tuyến đường vận chuyển chính của thuốc giả trên toàn cầu, hiện đang phát triển theo cấp số nhân trên mạng internet với nguồn lợi nhuận khổng lồ lên đến hàng tỷ USD”. Đây là nhận định của các chuyên gia tham dự hội nghị chống thuốc giả diễn ra tại Romania, trong nỗ lực ngăn chặn một trong những ngành công nghiệp được xem là tội lỗi nhất hiện nay trên thế giới.

"Đông Âu đang là tuyến đường vận chuyển chính của thuốc giả trên toàn cầu, hiện đang phát triển theo cấp số nhân trên mạng internet với nguồn lợi nhuận khổng lồ lên đến hàng tỷ USD”. Đây là nhận định của các chuyên gia tham dự hội nghị chống thuốc giả diễn ra tại Romania, trong nỗ lực ngăn chặn một trong những ngành công nghiệp được xem là tội lỗi nhất hiện nay trên thế giới.

Năm 2010, ngành công nghiệp thuốc giả toàn cầu thu về 75 tỷ USD. Rất nhiều loại thuốc giả đang lưu hành trên thị trường có hàm lượng hóa chất vượt 8.000 lần cho phép, trong đó có các loại hóa chất rất độc hại như: thạch tín, sơn có chất chì… Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành công nghiệp “tội lỗi” này lên tới 100%. Theo WHO, thuốc giả chiếm 30% và thậm chí có khi còn lên tới 50% lượng dược phẩm lưu hành ở một số nước đang phát triển.

Các tay buôn thuốc giả đã chọn Đông Âu, nơi dễ luồn lách hơn và không có nhiều sự kiểm duyệt gắt gao về dược phẩm như các nước châu Âu khác để làm căn cứ địa. Đông Âu còn là bàn đạp để đưa thuốc giả đến các nước đang phát triển khi mà hiện nay không ít người vẫn thích dùng các loại “hàng xách tay” gồm cả dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nhập khẩu không theo các kênh chính thức với giá rẻ. Internet hiện cũng là kênh mua bán hữu hiệu đối với thị trường thuốc giả. WHO đưa ra lời cảnh báo, cứ 1 trong 2 sản phẩm dược được giới thiệu trên internet là giả. Các loại thuốc giả thường là những loại có nhu cầu sử dụng cao như thuốc kháng sinh, điều trị sốt rét, giảm đau, tăng cường sinh lực…

Điều đáng sợ là hiện nay lợi nhuận của kinh doanh thuốc giả có thể so sánh với lợi nhuận từ buôn ma túy nhưng những hình phạt dành cho loại tội phạm này lại nhẹ hơn rất nhiều. Trên thế giới, mỗi năm có 1 triệu người chết do dùng thuốc giả và hiện nay ngành công nghiệp “tội lỗi” này vẫn đang bành trướng trên toàn cầu. Lý do là cuộc đấu tranh chống lại thuốc giả không hề đơn giản vì các thủ đoạn sản xuất và kinh doanh ngày càng tinh vi, hiện đại. Một số quốc gia Đông Âu đã bước đầu thực hiện việc trừng trị thẳng tay những kẻ sản xuất thuốc giả bằng việc nâng cao hình phạt. Tại Romania, hình phạt cho những kẻ buôn lậu và sản xuất thuốc là án tù chung thân. Các chuyên gia cho rằng, việc chống lại ngành công nghiệp sản xuất thuốc giả không thể chỉ trông chờ vào một quốc gia mà cần có sự hợp tác của nhiều nước trên thế giới. Việc thiết lập một cơ chế liên thông chống thuốc giả và trừng phạt những kẻ sản xuất, tiếp tay cho thuốc giả là điều cần thiết nhất hiện nay.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục