Theo Bộ Công thương, hai tháng đầu năm 2016 đã xuất hiện nhiều tin vui: thương mại nội địa tăng, hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu tăng trưởng và có xuất siêu. Riêng sản xuất công nghiệp tiếp đà phát triển theo hướng tích cực nhưng so với cùng kỳ, mức tăng bị chậm lại.
Sức mua tăng 6,8%
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 2-2015 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nên thị trường trong nước sôi động với sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng. Nhiều chương trình giảm giá được các doanh nghiệp (DN) đồng loạt áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm. Do nguồn cung hàng hóa dồi dào nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Khách hàng tham quan, tìm hiểu các mặt hàng đặc sảncủa tỉnh Đồng Tháp tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa. Ảnh: Kim Chung
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước tính đạt 288.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 218,8 ngàn tỷ đồng, tăng 6,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 33,7 ngàn tỷ đồng, tăng 6,1%; doanh thu hoạt động du lịch lữ hành đạt 2,4 ngàn tỷ đồng, tăng 10,8%...
Tính chung 2 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 587.000 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố tăng giá thì đạt 8,3%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 446,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành hàng tăng khá: Lương thực, thực phẩm tăng 12,5%; may mặc tăng 10,6%; trang thiết bị gia đình tăng 10,4%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 68,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng mức và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của một số địa phương tăng khá: Bình Dương tăng 26,9%; Thanh Hóa tăng 22,2%; Hải Phòng tăng 15,7%...
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh, nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tháng 2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 9.580 vụ, phát hiện xử lý trên 7.500 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách 15,3 tỷ đồng. Chỉ số giá tiêu dùng được kìm giữ tốt khi hai tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất siêu 865 triệu USD
Trong tháng 2-2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cả nước ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng 2-2015 và giảm 22,9% so với tháng 1-2016. Tính chung hai tháng, kim ngạch XK hàng hóa cả nước ước đạt 23,66 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhóm công nghiệp chế biến vẫn đóng vai trò chủ lực trong XK, với kim ngạch ước đạt gần 19,1
tỷ USD trong hai tháng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm tỷ trọng khoảng 80,6%. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng XK chủ đạo có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2015 là điện thoại các loại, linh kiện, máy vi tính, linh kiện điện tử, máy quay phim và linh kiện đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến tăng trưởng XK chung của cả nước.
Nhóm nông lâm, thủy sản xếp thứ hai với kim ngạch XK ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng 12,5%. Ngay trong hai tháng đầu năm, tình hình XK nhóm hàng nông lâm thủy sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận. Trừ mặt hàng sắn, lượng XK các mặt hàng trong nhóm nông lâm, thủy sản đều tăng. Riêng với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu ước đạt 1,01 triệu tấn với giá trị 445 triệu USD, tăng gần gấp hai lần cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đối lập với sự tăng trưởng của hai nhóm hàng kể trên, nhóm nhiên liệu và khoáng sản giảm tới 51,7% so với cùng kỳ năm 2015, chỉ chiếm tỷ trọng 1,7%.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 2-2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với tháng trước và giảm 0,9% so với tháng 2-2015. Hai tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 22,8 tỷ USD, giảm 6,6%. Với kết quả này, trong tháng 2, cả nước ước xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung hai tháng, con số xuất siêu ước đạt 865 triệu USD, bằng 3,7% kim ngạch XK.
Sản xuất công nghiệp trên đà tăng trưởng
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, trong tháng 2-2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,9%; tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất hai tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất kim loại tăng 25,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,1%; sản xuất trang phục tăng 10,3%; điện sản xuất tăng 13,6%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 13,4%; sắt thép thô tăng 16,7%; thép cán tăng 23%; tivi tăng 27,7%; ô tô tăng 38,8%…
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1-2016 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015 là động lực lớn cho sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm. Tính đến ngày 1-2, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Tính chung hai tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng (tháng 1 tăng 5,9%, tháng 2 tăng 7,9%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn thấp hơn so với mức tăng 12% của cùng kỳ năm 2015. Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính là do ngành khai khoáng giảm 1,7%; nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học chững lại, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015 và sản xuất thiết bị điện giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tồn kho ở mức hợp lý và thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Theo Bộ Công thương, dù đợt nghỉ tết khá dài, nhưng với sự nỗ lực của các DN, của toàn ngành đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Đây là những tín hiệu vui để ngành công thương thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra.
KIM CHUNG