Ngành công thương TPHCM: Tập trung triển khai các chương trình, đề án trọng điểm

Đoàn công tác UBND TPHCM do Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Sở Công thương TPHCM. 
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành tổ chức năm 2019. Ảnh: CAO THĂNG
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành tổ chức năm 2019. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm 2020, sở phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,6% so với năm 2019, trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,5%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của các doanh nghiệp (DN) TP qua cửa khẩu cả nước tăng 9,5%. Đảm bảo cung ứng đủ, an toàn cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động quan trọng của TP; giảm thời gian tiếp cận điện năng. Chuẩn bị tốt nguồn hàng, tổ chức cung ứng hợp lý, kịp thời, góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng giá cả nước.

Để thực hiện các mục tiêu trên, năm 2020, ngành công thương đã đề ra các giải pháp cụ thể, như tăng cường tiếp xúc với DN nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, làm việc với các ngành liên quan (Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, điện lực...) để tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của DN; đặc biệt là trong tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do tác động bởi dịch bệnh. Tăng cường đối thoại với DN để phổ biến thông tin, tuyên truyền triển khai cơ chế chính sách của TP và nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của DN; từ đó xây dựng chương trình phát triển công nghiệp của TP. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN công nghiệp; thường xuyên gặp gỡ, làm việc với hội ngành nghề, DN để tìm hiểu tình hình phát triển và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển ngành, đề xuất TP các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh đó, sở tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN; chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (trong đó, nghiên cứu rà soát, bổ sung danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực vào quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP). Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, chú trọng tạo đầu ra, tạo thị trường trong nước đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực và 4 ngành công nghiệp trọng điểm, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập để giữ vững thị trường và thúc đẩy sản xuất. Phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện các chương trình hỗ trợ DN (về địa điểm, thủ tục đất đai, quy hoạch...) đầu tư phát triển hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm; chú trọng triển khai kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong các dịp lễ, tết. Thực hiện chương trình đổi mới mô hình hợp tác, xác định nhiệm vụ, giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa hướng tới xuất khẩu.

Bước đầu nghiên cứu, đề xuất chủ trương đề án xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế. Xây dựng, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả Kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020; tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, giúp DN chủ động nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời kết hợp thực hiện tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hàng trong nước thay thế dần nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu.

Sở Công thương cũng xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là triển khai thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ, đạt yêu cầu về nội dung, phạm vi công việc các chương trình, đề án, kế hoạch... thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Mục đích nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển ngành và chương trình công tác của UBND TPHCM. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cơ bản thống nhất với kế hoạch và các chỉ tiêu cơ bản của ngành đề ra. Mục tiêu quan trọng của ngành công thương là tăng cường hội nhập và liên kết để thúc đẩy thay đổi tính chất cơ cấu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là những thành phần kinh tế vừa và nhỏ, hộ cá thể. Đóng góp các giải pháp cho TP trong việc tăng cường liên kết với các tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng đề nghị Sở Công thương tham mưu UBND TP và tham gia tích cực vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, giúp TP chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2020.

Tin cùng chuyên mục