Ông Pino Calcagni, Phó Chủ tịch Hội đồng Hạt ăn được và trái cây khô quốc tế (INC) thắc mắc, Việt Nam là quốc gia của cây điều và xuất khẩu đứng đầu thế giới, nhưng quá ít người dân dùng nhân điều khi sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 6% so với xuất khẩu. Vì sao Việt Nam dành những sản phẩm bổ dưỡng như mật ong, hạt điều… để xuất khẩu mà không tăng cường tiếp thị cho người dân trong nước sử dụng?
Giá trị dinh dưỡng
Trong các ngành hàng nông-lâm-thủy sản, sản phẩm từ nhân hạt điều tìm về “sân nhà” khá muộn so với ngành hàng cà phê, cá tra hay gỗ nội thất. Nhưng nhờ đó có thể rút kinh nghiệm từ các ngành đi trước, kể cả sự hỗ trợ từ INC nên Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có bước đi khá bài bản. Đầu tiên, năm 2013, Vinacas tìm đến Hiệp hội Dinh dưỡng và thực phẩm TPHCM để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về giá trị dinh dưỡng hạt điều Việt Nam, cụ thể là hạt điều Bình Phước, được các nhà nhập khẩu đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới. Đề tài được nhóm của bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng - Thực phẩm TPHCM thực hiện, tìm hiểu về chỉ số đường huyết (GI) của nhân điều so với một số thực phẩm khác. Kết quả khá bất ngờ, chỉ số GI nhân điều chỉ có 9,5 (so với xôi 79,7 hay cơm (gạo giống Việt Đài) 76, gạo lứt 63, gạo tấm 53). Nếu chế biến bánh gạo, xôi nếp, chè sen với nhân điều hay cơm với nhân điều thì chỉ số đường huyết trong thực phẩm giảm xuống.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, nhân điều là thực phẩm giàu năng lượng hơn hẳn các thực phẩm khác. Tính trên 100g, nhân điều cung cấp 550 - 600 kcal, ngũ cốc 300 - 350 kcal, nhóm thịt 150 - 200 kcal. Khoảng 80% lượng chất béo trong nhân hạt điều là chất béo chưa bão hòa, tốt cho người rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch, tiểu đường. Nhân điều không chỉ là thực phẩm bổ sung cũng như phối hợp với các thực phẩm khác để chế biến món ăn cho người mắc bệnh tiểu đường mà còn hứa hẹn nguồn nguyên liệu cung cấp chất đạm và chất béo có lợi cho sức khỏe trong việc nghiên cứu các loại thực phẩm chức năng. Nhưng cần có sự phối hợp nhiều hơn giữa doanh nghiệp (DN) chế biến điều và DN sản xuất thực phẩm cùng nhà khoa học để đa dạng hóa sản phẩm.
Khách hàng tại quầy trưng bày sản phẩm của Công ty Tanimex (Long An). Ảnh: Q.THU
Theo ông Calcagni, hạt điều có lợi cho sức khỏe con người. INC nỗ lực tuyên truyền lợi ích của nhân điều ở Australia, mặc dù không phải là xứ sở của cây này. Hiệp hội Hạt ăn được Australia và Chính phủ Australia cùng vào cuộc quảng bá về giá trị nhân điều. Gửi thông điệp đến mọi người dân biết tác dụng rất tốt của nhân điều cho sức khỏe con người như thế nào và nhận phản hồi từ người dân. Vì vậy, hạt điều đã được người dân Australia biết và sử dụng thường xuyên.
Kinh nghiệm từ các nước
Nhận thấy giá trị dinh dưỡng nhân điều tốt cho sức khỏe, năm 2003, Chương trình Hạt cho cuộc sống của Australia (Nuts for life Australia) với mục đích truyền bá thông tin về lợi ích hạt ăn được hàng ngày mang lại cho con người. Thời gian đầu chương trình chưa được biết đến nhiều nên người tiêu dùng vẫn nghĩ, ăn nhiều sẽ bị nóng. Nhưng nhờ sự kiên trì thực hiện, nhà khoa học khuyến cáo ăn một nắm tay hạt (60g) hàng ngày sẽ tốt cho sức khỏe, nhất là tim mạch. Đó là vì sao Chương trình Hạt cho cuộc sống của Australia, bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ, hướng dẫn chế độ ăn uống có lợi, còn có DN, hiệp hội tham gia tài trợ. Đây là hoạt động tự nguyện, 11 năm qua chưa DN tài trợ nào rời bỏ mà thêm nhiều DN khác tham gia (28 DN) vì khi có chương trình này, thị trường nhân điều tăng dần qua từng năm. Năm 2003 chỉ 20% bác sĩ gia đình Australia tin vào lợi ích nhân điều, nay 75% số bác sĩ gia đình tin điều đó. Khi đã vào guồng, chương trình giúp tăng lượng tiêu thụ nhân điều lên 5%/năm. Hiện nay chương trình đã có logo riêng với hình ảnh nắm tay hạt được in trên bao bì để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hạt vì sức khỏe. Nếu tính trên đầu người, Australia là thị trường tiêu thụ nhân điều nhiều nhất thế giới, hơn cả Ấn Độ và Mỹ, hai nước tiêu thụ dẫn đầu.
Ông Venkatesan Rajkumar, Tổng Giám đốc Công ty RALs International của Ấn Độ, chia sẻ, quá trình để đưa nhân điều đến với người tiêu dùng ở Ấn Độ mất khoảng 20 năm, chia làm nhiều giai đoạn. Trước 1990 chỉ để xuất khẩu. Từ 1990, các sản phẩm được bán từ các chợ phiên, sau đó là tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện dụng, rồi chuỗi cửa hàng quốc doanh, cửa hàng bách hóa và gần đây là chuỗi cửa hàng của các thương hiệu độc quyền hay các trung tâm thương mại hiện đại nhất. Nhờ đó, giai đoạn từ năm 1990 - 2000, sản lượng tiêu dùng trong nước tăng 10 lần, trở thành mặt hàng phổ thông như trà, cà phê. Đó là kết quả của quá trình xúc tiến tiêu thụ nội địa kèm theo chiến dịch truyền thông giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về giá trị dinh dưỡng của nhân điều. Ông Venkatesan Rajkumar cho rằng, giờ đây các DN Việt Nam có thể tận dụng công nghệ thông tin như internet, truyền thông, mạng xã hội để tiếp thị. Nếu làm đúng cách sẽ rút ngắn thời gian để đưa sản phẩm nhân điều đến với người dân nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, việc tham khảo kinh nghiệm của các nước, qua đó, tìm ra hướng đi phù hợp với đặc thù Việt Nam. Khi người tiêu dùng có điều kiện để chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, họ sẽ quan tâm đến thức ăn “lành” (an toàn và có lợi). Vấn đề là cách làm để người tiêu dùng chuyển suy nghĩ từ loại thực phẩm chỉ mua biếu vào dịp lễ, tết hay chỉ “ăn chơi” thành loại hạt ăn thường xuyên trong gia đình là thành công. Có thể nói, Vinacas đã thấy được một phần ẩn số cho lời giải của vấn đề. Đó cũng là cách ngành hàng nhân điều đang đi tìm sự cân bằng trong kinh doanh giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
CÔNG PHIÊN