Ngành du lịch cần sản phẩm tốt để níu chân du khách

Với việc miễn visa 5 thị trường trọng điểm cùng những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm tạo một môi trường du lịch trong sạch, du lịch đang đứng trước cơ hội lớn để tạo ra sự phát triển đột phá.
Ngành du lịch cần sản phẩm tốt để níu chân du khách

Với việc miễn visa 5 thị trường trọng điểm cùng những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm tạo một môi trường du lịch trong sạch, du lịch đang đứng trước cơ hội lớn để tạo ra sự phát triển đột phá.

Miễn visa là đòn bẩy

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, việc miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu thể hiện sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam và góp phần quan trọng thúc đẩy ngành du lịch phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ông Bình phân tích Việt Nam có mối quan hệ truyền thống lâu đời với các nước Tây Âu. Trong những năm qua, Tây Âu là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam, trung bình mỗi năm Việt Nam đón khoảng 700.000 khách Tây Âu; mỗi năm cũng có khoảng 150.000 khách Việt Nam đến Tây Âu. Tuy nhiên, số lượng khách như trên là chưa tương xứng với mối quan hệ kinh tế, chính trị và vị thế của Việt Nam với các nước Tây Âu. Quyết định miễn visa cho 5 nước Tây Âu và Belarus là bước đột phá, tạo cơ hội lớn cho sự giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với các nước trên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng khách du lịch Tây Âu đến nước ta.

Ngay quyết định miễn visa với 5 nước Tây Âu và Belarus có hiệu lực, một chương trình kích cầu du lịch dành cho khách đến từ các thị trường này đã được triển khai và thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước. Trong chương trình kích cầu này, ngành du lịch đưa ra các sản phẩm mới với giá thành giảm 20% - 30% so với sản phẩm thông thường. Nhiều sản phẩm liên kết quốc gia nhằm thu hút khách có nhu cầu đi thăm nhiều nước như tour du lịch xuyên 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; nối tour với Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng được xây dựng... Chương trình được kỳ vọng góp phần ngăn chặn đà suy giảm khách du lịch Tây Âu, tạo đà tăng trưởng của thị trường này từ đầu năm 2016, đạt độ tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm và 20% những tháng cuối năm 2016. Ngành du lịch cũng đề ra mục tiêu trong 3 năm 2016-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu đến Việt Nam đạt 1,1 triệu lượt, tăng 50% so với năm 2015.

Du khách nước ngoài tham quan TPHCM bằng xích lô. Ảnh: CAO THĂNG

Thiếu các giải pháp bền vững

Nếu như việc miễn visa là cánh cửa mở để thu hút du khách vào Việt Nam, thì sản phẩm du lịch chính là cái níu chân du khách ở lại và thậm chí quay trở lại nhiều lần. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel bày tỏ, trong ngành du lịch và dịch vụ, sự mới mẻ và khác biệt là một trong những điều kiện tiên quyết để một điểm đến trở nên thu hút và hấp dẫn trong mắt du khách, đối với cả du khách trong nước lẫn nước ngoài. Tuy mang nhiều lợi thế và tiềm năng từ thiên nhiên và văn hóa, song nhiều sản phẩm du lịch của các địa phương cũng như các công ty lữ hành mới chỉ quan tâm và tập trung khai thác “phần vỏ” mà chưa chú trọng đến “phần ruột”, dễ gây nhàm chán, đi một lần là rất khó thôi thúc du khách đến thêm lần nữa. Để khắc phục tình trạng “một đi không trở lại”, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội Nguyễn Lê Hương cho rằng, trước tiên cần giải quyết triệt để tình trạng “chặt chém” giá cả, môi trường vệ sinh, thực phẩm thiếu an toàn... 

Ông Vũ Thế Bình cũng khẳng định, chỉ bằng cách tạo nên những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp, ngành du lịch mới có thể đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, đồng thời hút được du khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là khách cao cấp. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Việt Nam không chỉ có Sơn Đoòng mà còn có nhiều danh thắng và di sản không một quốc gia nào có như: Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Tây Bắc, vùng núi Tây Nguyên… Song làm thế nào để biến những tiềm năng thiên nhiên ấy thành những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp, đồng thời định vị các sản phẩm đó trên trường quốc tế như cách mà Sơn Đoòng đã làm được lại là một câu chuyện khác, cần sự vào cuộc nghiêm túc của cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Chỉ khi nào làm được điều đó thì du lịch Việt Nam mới có thể thu hút và níu chân du khách quốc tế bằng thực lực của mình.

MAI AN

Ngành du lịch cần sản phẩm tốt để níu chân du khách ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục