Ngành hàng không thế giới - Một năm vất vả

Quyết định cứng rắn
Ngành hàng không thế giới - Một năm vất vả

Tháng 4 được coi là tháng đầy sóng gió của hãng hàng không lớn nhất Tây Ban Nha Iberia. Sau vụ đình công hàng loạt của phi công hôm 9-4 khiến 160 chuyến bay bị hủy, Iberia ngày 18-4 đã có quyết định cứng rắn: Giảm 20% lương và cắt đi nhiều tiêu chuẩn hỗ trợ dành cho phi công của hãng.

Ngày 9-4, máy bay của Hãng Iberia xếp hàng ở bãi vì phi công đình công.

Ngày 9-4, máy bay của Hãng Iberia xếp hàng ở bãi vì phi công đình công.

Quyết định cứng rắn

Năm 2010, thị trường hàng không thế giới xôn xao khi Iberia sáp nhập cùng hãng hàng không British Airways của Anh, cho ra đời Tập đoàn hàng không International Airlines lớn thứ hai châu Âu về vốn cổ phần và lớn thứ ba thế giới về thu nhập. Đây được xem là vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành hàng không từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, ngành hàng không thế giới nói chung và hãng Iberia nói riêng đã không thể thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Hãng này đã lập ra dịch vụ hàng không giá rẻ Iberia Express chuyên khai thác thị trường châu Âu để thu hút khách hàng với chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 25-3. Tiếc thay, “dịch vụ phát sinh” này không những không giúp Iberia thu thêm lợi nhuận mà còn buộc hãng phải cắt giảm trực tiếp lương của phi công. Để phản đối, các tổ chức công đoàn của Iberia đã lên kế hoạch tổ chức 30 hoạt động biểu tình. Cuộc biểu tình đầu tiên đã diễn ra ngày 9-4 và dự kiến chuỗi hoạt động này sẽ kéo dài đến ngày 20-7 tới.

Theo AFP, ngày 18-4, Giám đốc Tài chính của Iberia Jose Maria Fariza đã tuyên bố cắt giảm 20% lương phi công và cho rằng điều này sẽ giúp Iberia giảm 62 triệu USD chi phí hoạt động, đẩy hiệu quả kinh doanh lên 25%. Hiện mức lương của phi công tại Iberia là 262.000 USD/năm, chưa tính phí bảo hiểm, thuế… Bên cạnh đó, các phi công buộc phải đạt được 900 giờ bay/năm so với số giờ bay họ đạt được hiện nay là 650 giờ/năm (cách xa so với mức cam kết khoảng 820 - 850 giờ/năm). Tiêu chuẩn hưởng các chế độ khác cũng sẽ bị siết chặt và tính toán theo thâm niên làm việc của từng người.

Theo ông Jose Maria Fariza, Iberia đang từng bước củng cố vị trí của mình trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt khi nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không của hành khách khá thấp, giá dầu thế giới lại không ngừng tăng cao. Quyết định cứng rắn của ban lãnh đạo Iberia cũng nhằm đối phó với biểu tình, đình công của phi công vốn khiến Iberia mất mỗi ngày đến 4 triệu USD.

Các cuộc đình công riêng lẻ từng ngày, diễn ra trong tháng 12-2011 và tháng 1, 2-2012 làm Iberia thiệt hại 47 triệu USD. Đội ngũ phi công là nhóm duy nhất chưa đạt được thỏa thuận với Iberia trong những lần đàm phán suốt hơn hai năm qua.

Khó khăn chung

* Hàng không giá rẻ hiện đang là lựa chọn của các hãng máy bay nhằm giữ lại thị phần. Ngày 26-3, tập đoàn Qantas (Australia) thông báo sẽ cùng với China Eastern Airlines (Trung Quốc) thành lập hãng hàng không giá rẻ Jetstar Hồng Công. Jetstar Hồng Công đặt trụ sở tại đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) và hoạt động trong năm 2013, với các tuyến bay ngắn trong châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á.

Theo New York Times, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cuối tháng 3 vừa qua đã công bố báo cáo về khó khăn của ngành hàng không toàn cầu cũng như đưa ra dự báo cho ngành này.

Theo bản báo cáo, chi phí nhiên liệu tăng có thể kéo theo lợi nhuận của các hãng hàng không giảm 62% trong năm nay. Theo IATA, trong năm 2012, giá trung bình một thùng dầu thô sẽ lên tới 115 USD, thay vì 99 USD như dự báo trước đây. Và nếu xung đột với Iran bị đẩy vào tình huống khó khăn nhất, mức giá này có thể lên mức 150 USD/thùng. Điều đó khiến các hãng hàng không trên thế giới sẽ phải chi ra thêm 32 tỷ USD để bù vào giá nhiên liệu. Tổng mức lãi của các hãng hàng không sẽ bị giảm từ 3,5 tỷ USD dự kiến xuống còn 3 tỷ USD (năm ngoái, con số này là 7,9 tỷ USD). Kể từ khi đưa ra dự báo mức lãi 3,5 tỷ USD vào tháng 12-2011 đến nay, giá dầu đã tăng 12%, đẩy chi phí nhiên liệu chiếm đến 1/3 chi phí ngành hàng không.

Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng do Iran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - điểm xuất dầu chủ chốt của các nước vùng Vịnh, đi cùng với lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ khiến nhiều đối tác nhập khẩu dầu mỏ từ Iran phải giảm đơn hàng. Ông Tony Tyler, Giám đốc điều hành của IATA nhấn mạnh: “Ngành hàng không đang rất ốm yếu và tác nhân gây ra sự ốm yếu này chính là giá dầu”.

Trong khi đó, hãng hàng không lớn nhất châu Âu Air France-KLM đánh giá triển vọng kinh tế không chắc chắn và giá nhiên liệu tăng sẽ khiến lợi nhuận của hãng trong nửa đầu năm 2012 thấp đáng kể so với năm trước. Bản thân Air France - KLM đã công bố mức thua lỗ hơn 1 tỷ USD trong năm 2011. International Airlines, công ty mẹ của British Airways và Iberia cũng nhận định, giá dầu tăng sẽ làm chi phí nhiên liệu toàn cầu tăng trong năm nay thêm 1,31 tỷ USD.

Cũng theo ông Tony Tyler, ngành hàng không toàn cầu hiện hoạt động với mức lãi là 0,5% và đây còn số chạm vào mức báo động đỏ. Châu Âu là khu vực bị tác động mạnh nhất. Ngoài việc giá nhiên liệu tăng, cuộc khủng hoảng nợ công của nhiều quốc gia châu Âu có thể sẽ làm cho các hãng hàng không ở châu lục này bị thua lỗ khoảng 600 triệu USD trong năm nay. Mặt khác, các hãng hàng không hàng đầu châu Âu như Air France - KLM, British Airway và Lufthansa phải cạnh tranh quyết liệt với các hãng hàng không giá rẻ như EasyJet và Ryanair.

Vận tải hàng không ở các khu vực sẽ có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, ở khu vực Bắc Mỹ, lợi nhuận sẽ giảm xuống còn 3,2 tỷ USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm còn 4,6 tỷ USD. Đây vẫn là khu vực sinh lợi nhất của thế giới đối với các hãng hàng không dựa trên tăng trưởng GDP mạnh (trừ Nhật Bản) là 6,6%, dẫn đầu là Trung Quốc.

Như Quỳnh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục