Ngành hay hội?

Sau phản ánh gần đây của dư luận về những lỗ hổng trong việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận Thực hành tốt nhà thuốc (GPP), các chuyên gia y tế, nhất là các  dược sĩ đang đặt ra vấn đề, liệu cơ quan quản lý nhà nước đã thực thi tốt chủ trương này?

Không ít ý kiến đề xuất trao việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận GPP cho hội nghề nghiệp thực hiện, đó là Hội Dược học. Phải nhìn nhận rằng, qua thực tế thanh - kiểm tra gần đây của Sở Y tế TPHCM, Hà Nội, nhiều nhà thuốc mặc dù đã treo bảng đạt chuẩn GPP nhưng vẫn vi phạm về kinh doanh, thuốc không số đăng ký, hết thời hạn, không nguồn gốc… Điều đó cho thấy, trước khi cấp giấy cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý đề ra, nhưng được cấp giấy rồi không ít cơ sở vi phạm các tiêu chuẩn. Trong khi, cơ quan quản lý không đủ thời gian, nhân lực để kiểm tra, kiểm soát!

Nhằm đảm bảo tiến tới việc cung ứng thuốc cho người bệnh chất lượng, an toàn, từ năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về việc Thực hành tốt nhà thuốc với nguyên tắc đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả. Mọi nguồn thuốc sản xuất trong nước hay nhập khẩu đến được tay người sử dụng hầu hết đều qua các cơ sở bán lẻ thuốc, Bộ Y tế mong muốn rằng trong thực hành nghề nghiệp tại nhà thuốc, dược sĩ và nhân sự dược tự nguyện tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và chuyên môn ở mức cao hơn những yêu cầu pháp lý tối thiểu…

Chính vì vậy mà trong tiêu chuẩn nhà thuốc GPP luôn đề cao thực thi nghề nghiệp với việc dược sĩ tư vấn chọn thuốc chu đáo, tận tình cho người bệnh. Đây cũng chính là một hoạt động nghề nghiệp của Hội Dược học các tỉnh thành. Chẳng hạn, TPHCM hiện có Hội Dược học với hơn 160 thành viên là những dược sĩ, mà chủ yếu là trưởng, phó các khoa dược của bệnh viện, là những giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đang giảng dạy tại khoa dược của các trường Đại học Y khoa, những dược sĩ đang công tác trong các công ty dược… Đội ngũ thành viên của Hội Dược học khá hùng hậu và là những người có chuyên môn cao. Hơn nữa, với vai trò hội nghề nghiệp, Hội Dược học có chức năng đào tạo, tư vấn một cách bài bản và hợp lý…

Trong khi đó, công tác cấp giấy chứng nhận GPP hiện nay lại được chi phối bởi Phòng Quản lý dược của các Sở Y tế với nhân lực hạn hẹp và vốn dĩ quen kiểu “thủ tục giấy tờ” nên để thị sát, thẩm định nhà thuốc theo tiêu chuẩn GPP ắt hẳn ít nhiều còn thiếu… thấu đáo! Chưa hết, chính sự tập trung “quyền lực” vào một nhóm người của Phòng Quản lý dược đã nảy sinh không ít cơ chế “xin-cho”. Theo như quy trình áp dụng hiện nay, muốn mở một nhà thuốc, ngoài những giấy tờ pháp lý, người quản lý nhà thuốc phải được tập huấn kiến thức về GPP, rồi cơ sở vật chất nhà thuốc phải đủ các tiêu chí đề ra… Nói như một thành viên Ban Chấp hành Hội Dược học TPHCM thì không khó gì đối với hội nghề nghiệp, thậm chí còn hiệu quả hơn. Và điều quan trọng, chính những nhà thuốc GPP sẽ được kết nạp hội viên của Hội Dược học.

Thời hạn 1-1-2011 buộc tất cả các nhà thuốc trên cả nước phải đạt chuẩn GPP đang đến gần. Nhưng xem ra công tác cấp giấy chứng nhận GPP cũng như hậu kiểm còn quá lúng túng. Là thị trường dược phẩm lớn nhất nước hiện nay với hơn 4.000 nhà thuốc, TPHCM cũng chỉ mới cấp được gần 500 giấy chứng nhận GPP. Liệu có kịp lộ trình nếu cứ cứng nhắc với nguyên tắc là Sở Y tế các địa phương đảm nhiệm thực thi. Điều quan trọng hơn, việc đào tạo, phổ biến và thẩm định cấp giấy chứng nhận GPP có hợp lý hơn nếu giao cho Hội Dược học. Nên chăng Bộ Y tế xem xét giao trọng trách ấy cho hội nghề nghiệp, còn Sở Y tế các địa phương giám sát việc hậu kiểm

ANH QUÂN

Tin cùng chuyên mục