Chuyện nhập đường và doanh nghiệp trong nước xuất đường tiểu ngạch vừa tạm lắng, thị trường tạm bình ổn thì nông dân Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lại bắt đầu thu hoạch, bán mía non. Tuy nhiên, chuyện nông dân bán mía non chỉ là phần nhỏ trong nhiều bất cập của ngành mía đường hiện nay!
Thiếu liên kết
Nhiều nông dân ở Phụng Hiệp mừng ra mặt khi bán mía non với giá 1.000 – 1.100 đồng/kg. Lượng mía non này chủ yếu được các lò đường thủ công trong vùng mua về ép. Còn các nhà máy đường chưa thấy động tĩnh gì. Song, nhiều khả năng mùa này lũ về sớm sẽ có nhà máy đường xé rào đi vào hoạt động. Nông dân được lợi nhưng khi bán mía non, chữ đường thấp sẽ làm thất thoát lượng đường nhất định.
Giá mía tăng cao trong niên vụ vừa qua và diện tích mía cả nước tăng nhưng tại ĐBSCL lại giảm khoảng 1.750ha, hiện dao động ở mức 55.000ha. Đây có thể là hiệu ứng từ giá lúa tăng cao ngất ngưởng, khiến nông dân lựa chọn làm lúa hơn là trồng mía!
Vùng mía ĐBSCL cho năng suất rất cao, bình quân trên 80 tấn/ha (cao hơn năng suất bình quân của cả nước khoảng 20 tấn/ha). Trong đó, nhiều địa phương như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau năng suất đạt khoảng 90 - 100 tấn/ha… Cá biệt, ở Hậu Giang nhiều nông dân trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha.
Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất, thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường chưa tốt. Một số nhà máy chưa quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu, không quan hệ gắn bó với người trồng mía… Đến vụ sản xuất lại dùng chính sách giá để tranh mua, gây mất ổn định cho vùng nguyên liệu cũng như gây khó khăn cho các nhà máy đường khác.
Đầu tư theo nhu cầu thị trường
“Thực tế sản xuất từ năm 2000 đến 2010 chỉ đạt quanh mức 1 triệu tấn đường/năm, số thiếu còn lại được “bù” bằng đường nhập lậu giá rẻ. Việt Nam thiếu bao nhiêu đường, số lượng nhập lậu bao nhiêu vẫn còn bí ẩn. Quản lý nhà nước không tốt đối với đường nhập lậu, nguy cơ thừa - thiếu không lường trước được” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nêu thực trạng.
Theo Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng, định hướng phát triển mía đường đến năm 2020, diện tích cả nước khoảng 300.000ha; năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 12 CCS; sản lượng mía đạt 24 triệu tấn…
Tuy nhiên theo Bộ NN-PTNT, đến nay kế hoạch phát triển ngành mía đường do địa phương và nhà máy xây dựng riêng biệt nên chưa đánh giá được tổng thể về thị trường tiêu thụ để đưa ra mức sản xuất phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững. Kế hoạch riêng lẻ này thậm chí có nhiều khác biệt so với định hướng phát triển của Quyết định 26/2007/QĐ-TTg.
Tiến sĩ Hồ Cao Việt, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, phân tích: “3 năm qua các nhà máy được cổ phần hóa liên tục đầu tư, cải tiến công nghệ chế biến tăng công suất từ 85.000 tấn lên 105.700 tấn/ngày. Tuy nhiên, sản lượng mía chỉ đáp ứng cho nhà máy chạy 61,2% công suất. Trong đó, có 13 nhà máy hoạt động dưới 50% công suất… điều đó gây nên nhiều bất ổn cho chiến lược phát triển của các doanh nghiệp và toàn ngành mía đường”.
Một điều cần nói khác, theo dự báo những năm tới nhu cầu sử dụng đường tinh luyện ngày càng cao và đường trắng giảm dần. Nhưng hiện nay các nhà máy chủ yếu mở rộng công suất để sản xuất đường trắng. Điều này cũng không phù hợp với định hướng của Thủ tướng đến năm 2020. Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà máy đường cần xem xét đầu tư chiều sâu để có cơ cấu sản phẩm đường hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường.
CAO PHONG