Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Ngày 6-2, tại Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Dự hội nghị còn có nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành ven biển và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Hội nghị nhằm tìm những giải pháp để phát triển ngành tôm, hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan các sản phẩm trưng bày tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam Ảnh: NGỌC CHÁNH
Phấn đấu thành “công xưởng tôm” thế giới
Báo cáo về hiện trạng và giải pháp phát triển ngành tôm, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nuôi tôm. Nguyên nhân do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000ha. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT và các địa phương, vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, người nuôi với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả: Tổng diện tích thả nuôi đạt 694.645ha (bằng năm 2015), tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 657.000 tấn, tăng 9% so với năm 2015. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015.
Cũng theo ông Vũ Văn Tám, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ngành tôm nước ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững. Cụ thể là về tôm giống. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 180.000 - 260.000 con tôm chân trắng bố mẹ (chiếm 90%). Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao. Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi; chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam...
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, dư địa để phát triển con tôm là rất lớn, dưới tác động biến đổi khí hậu, nước mặn có thể xâm nhập sâu và làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở mặt khác đó chính là lợi thế phát triển thủy sản, chính là con tôm nước lợ. “Thị trường tôm tới đây và những năm tới chưa có giới hạn về đầu ra. Cho đến nay không có con gì nuôi mà tốc độ sinh khối, giá trị thu nhập cao như con tôm nếu làm đúng. Hiện tại, chúng ta đã tạo dựng được những yếu tố cơ bản ban đầu cho hình thành ngành công nghiệp tôm. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ trên 3 tỷ USD, không chỉ 700.000ha như hiện nay”, ông Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau)
Là doanh nghiệp dẫn đầu về chế biến xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, chia sẻ: “Tôi đã làm nghề tôm trên 35 năm. Tuy nhiên, vừa rồi tôi sang Ecuador thì mới nhận ra tất cả kiến thức về tôm mà tôi đã học sai hết. Ecuador có 175.000ha nhưng sản lượng tôm bằng nước ta 700.000ha. Nếu như sản lượng tôm nuôi chúng ta bằng sản lượng bằng 2/3 tôm nuôi của Ecuador thì nước ta có khả năng xuất khẩu 14 tỷ USD về tôm. Họ nuôi tôm với mật độ thấp, vừa sức tải môi trường, nuôi tôm kháng bệnh nên giá thành rất thấp”.
Ông Quang cũng cho biết doanh nghiệp đang triển khai mô hình doanh nghiệp xã hội tôm - rừng (sau đó chuyển sang tôm quảng canh, tôm - lúa, tôm công nghiệp). Tôm rừng đước là tôm sinh thái, tôm hữu cơ, sạch kháng sinh và giá bán rất cao. Thế nhưng, trên thị trường thế giới chúng ta không bán được vì chưa có chứng nhận quốc tế.
Theo ông Quang, muốn có chứng nhận quốc tế phải truy xuất nguồn gốc, mà các hộ sản xuất tôm rừng nhỏ lẻ không thể nào làm được. Cách giải quyết là phải xem mỗi hộ nuôi tôm như một ao của doanh nghiệp và doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình nuôi của tất cả các hộ. Khi thực hiện mô hình này, người dân không cần phải góp đất, chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp và cam kết thực hiện quy trình nuôi tôm đúng như quy trình quản lý của các tổ chức quốc tế yêu cầu. Mô hình này có thể mở rộng hàng ngàn hộ, có thể nhân rộng khắp ĐBSCL và khắp cả nước.
Tham gia phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Việt Úc kiến nghị Chính phủ mạnh dạn đưa ra chiến lược cụ thể rõ ràng biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới. “Những năm 1930, nước Anh trở thành công xưởng hàng đầu của thế giới, những năm cuối thế kỷ 20, Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới. Tại sao thế kỷ 21 này, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi của Việt Nam sao không trở thành công xưởng tôm của thế giới? Việt Nam có thể vượt qua Ấn Độ, Indonesia về ngành tôm. Nền tảng chúng ta đã có; tuy nhiên, chúng ta cần phải có thương hiệu mạnh, phải có chính sách hỗ trợ thương hiệu hàng đầu”, ông Tuấn đề xuất.
Nâng tỷ lệ nuôi tôm thành công lên 70%
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Con tôm đã lớn lên cùng với sự đổi mới của đất nước. Năm 1986, cả nước chỉ có 68 trại sản xuất với 2 triệu tôm post. Nhưng đến năm 2016, cả nước có gần 700.000ha, sản lượng 657.000 tấn, xuất khẩu đạt gần 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, khoa học công nghệ, giống thức ăn, trình độ thâm canh đã có nhiều mô hình tốt”.
Theo Thủ tướng, biến đổi khí hậu là nguy cơ nhưng cũng chính là thời cơ trong một số ngành sản xuất, đặc biệt là ngành thủy sản, trong đó có nuôi tôm. Từ thực tiễn này, Thủ tướng đặt vấn đề phải phát triển ngành tôm ở mức độ cao hơn, chất lượng tốt hơn. Thủ tướng cho rằng mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp. “Hôm qua, làm việc với Tập đoàn thủy sản Minh Phú thì riêng Minh Phú đã quyết tâm đến 2021 xuất khẩu 2 tỷ USD. Vậy còn 8 tỷ USD nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. “Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025, ngành tôm phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu”, Thủ tướng chỉ đạo.
Dẫn lại câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận về các giải pháp phát triển ngành tôm để đạt mục tiêu 10 tỷ USD sớm hơn. “Chúng ta có thể chủ động giống không? Thức ăn tốt và giá thành phù hợp, có làm được không? Quy trình, kỹ thuật canh tác tôm nhân rộng thế nào để có năng suất cao, không bị dịch bệnh. Chế biến, thương hiệu thế nào, bao bì làm sao?”, Thủ tướng đặt hàng loạt vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, thảo luận và có thể mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ các cơ chế, chính sách để phát triển lợi thế này của Việt Nam, “chứ không phải rụt rè từng dấu chấm, dấu phẩy”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra một số định hướng: Cần khảo sát những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng nông dân tự phát, manh mún; công tác quy hoạch đi liền với điều kiện tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước; không thể để tình trạng tôm chết do không có điện, cung cấp điện 3 pha để phục vụ cho sản xuất tôm; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại bảo đảm vốn tín dụng cho nuôi tôm, chế biến tôm với lãi suất phù hợp, nhất là nuôi tôm công nghệ cao; nâng tỷ lệ nuôi tôm thành công lên 70% chứ không chỉ 30% như hiện nay.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Tôi đề nghị phải kiểm soát cho được độc quyền nhóm trong việc cung cấp giống và thức ăn cho con tôm. Muốn phát triển ngành tôm, đảm bảo sinh kế cho người dân phải xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù lợi thế tự nhiên của địa phương. Các cơ quan nhà nước cần cung cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp tình hình cung cầu, giá cả thị trường. Để nâng cao sức cạnh tranh, ngành tôm cần phải được nâng công suất trên cơ sở giảm chi phí trung gian; chú trọng đa dạng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, có chế tài xử lý thích đáng việc bơm tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính; phải đảm bảo quyền lợi cho nhà sản xuất, nhà xuất khẩu bảo vệ uy tín và thương hiệu tôm Việt Nam”.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho một số bộ, ngành. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì trong quý 1-2017 trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để sớm hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm. Trong đó, nói rõ định hướng quy hoạch, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách phát triển ngành tôm, hướng dẫn sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với thị trường. Bộ NN-PTNT cũng chủ trì tổ chức hội nghị để làm rõ mô hình doanh nghiệp xã hội. Theo Thủ tướng đây là vấn đề mới, cần làm rõ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với các bộ ngành đưa tôm nước lợ vào sản phẩm quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ doanh nghiệp của tổ chức khoa học khác tham gia phát triển ngành tôm. Bộ Công thương chủ trì nghiên cứu thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Bộ KH-ĐT nghiên cứu đề xuất giải pháp huy động nguồn lực, bao gồm vốn ODA để xây dựng thực hiện quy hoạch tổng thể tôm nước lợ. Bộ Tài chính triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho con tôm… |
NGỌC CHÁNH