
Sau rất nhiều lần trì hoãn, chủ trương cấm bán hàng rong của Hà Nội vẫn được triển khai. Ngày 1-7 tới sẽ là thời điểm xử phạt những gánh hàng rong xuất hiện tại 62 tuyến đường, tuyến phố và 48 di tích lịch sử văn hóa đã được “chốt” trong danh sách những khu vực cấm bán hàng rong.
Hàng rong sẽ đổ dồn về một góc?

Bán hàng rong, một nghề mưu sinh vất vả.
Số liệu của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn đang có tới hơn 10.000 gánh hàng rong. Thời điểm này, dọc các tuyến phố lớn như Hàng Bài, Bà Triệu, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Cát Linh, Trần Duy Hưng… người bán hàng rong vẫn miệt mài, tấp nập.
Nhiều người còn rất ngạc nhiên khi được hỏi về việc chuyển hướng làm ăn vì không biết rằng đến ngày 1-7, có tới 62 tuyến phố mà họ sẽ không được vào bán hàng rong. Chị Trần Thị Thái, 48 tuổi, ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm (Ứng Hòa - Hà Tây) rầu rĩ bảo: “Em cũng chưa biết nữa. Khi nào cấm thì mới tính. Công an đuổi thì lại chạy. Chúng em chạy cũng quen rồi”. Giống như chị Thái, nhiều người bán hàng rong, tạp phẩm cho biết, nếu cấm bán hàng rong thì có khá nhiều người sẽ phải bỏ về quê. Số còn lại sẽ phải tìm mọi cách để “lách luật”, dồn vào các ngõ ngách không bị cấm.
Ông Nguyễn Khắc Cầu, chủ một quán nước trên đường Láng - đoạn gần Phòng CSGT Công an quận Cầu Giấy - tỏ ra lo lắng: “Nếu hàng trăm người bán hàng rong đều đổ dồn vào con đường này thì sẽ xảy ra những cuộc tranh giành, thậm chí mâu thuẫn, xô xát giữa những chủ hiệu kinh doanh xe máy, tạp hóa, văn phòng phẩm, bán cơm bình dân, rửa xe máy, người có nhà nằm mặt tiền, người bán nước chè, bơm xe, cánh lái xe ôm”.
Nhưng, chị Lê Thị Thủy, trú tại làng Bến, xã Phụng Công (Văn Giang - Hưng Yên), một người lên Hà Nội bán hàng rong lại thổ lộ: “Phần lớn các tuyến đường, tuyến phố chưa bị cấm hiện nay đều đã có những người khác chiếm dụng để kinh doanh, mua bán cả rồi. Chúng tôi sẽ rất khó để chen vào hoặc nếu chen chân được vào cũng sẽ rất khó buôn bán”.
Không chỉ hàng rong
Đến thời điểm này, Sở GTCC Hà Nội đã hoàn thành xong việc cắm biển cấm bán hàng rong tại các tuyến đường, tuyến phố và di tích. Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng, việc triển khai cấm bán hàng rong của Hà Nội mới chỉ là phạt đi cái ngọn của một vấn đề phức tạp, cần phải tính đến những vấn đề gốc rễ. Chẳng hạn như sau khi cấm hàng rong thì người nghèo sẽ dựa vào đâu để sống, tất cả các gánh hàng rong đều dồn vào một tụ điểm thì giao thông có tắc nghẽn không, những chợ “cóc”, chợ xanh sẽ mọc ra ngày càng nhiều, vấn đề quản lý trật tự đô thị càng thêm rối rắm thì tính thế nào?
Theo Sở Công thương Hà Nội, người bán hàng rong hiện nay đông hơn rất nhiều so với 2 năm trước, chủ yếu là phụ nữ. Độ tuổi trung bình khoảng 40, trong đó 80% là người ngoại tỉnh. 85%-90% người đang thuê nhà ở Hà Nội để bán hàng rong. Bán quanh năm chiếm 30%-40%, còn lại là người bán theo thời vụ. Ở các vùng quê càng bị mất nhiều đất nông nghiệp thì người lao động kéo ra Hà Nội làm thuê, làm mướn, bán hàng rong càng nhiều. Bởi vậy, tạo cơ hội để họ có thể sinh nhai là rất cấp thiết. |
Khảo sát của một nhóm sinh viên khoa xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) mới đây, trong số những người dân (không phải là người bán hàng rong) được hỏi, khoảng 30% trả lời là nên hạn chế hàng rong do lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; 60% cho rằng nên để hàng rong tồn tại vì nó gắn với nhu cầu thiết yếu của đại đa số người dân.
Ngay như nhiều người ở dọc các tuyến phố nằm trong danh sách bị cấm như Lương Văn Can, Hàng Cân, Hàng Gai, Hàng Lược, Nhà Chung… cũng giãi bày rằng, nếu cấm bán hàng rong thì việc mua sắm của họ sẽ trở nên bất tiện hơn vì có nhiều thứ cần mua lại phải ra tận chợ, đi xa 1 - 2km, mua giá đắt.
Chủ trương cấm bán hàng rong của Hà Nội là lập lại trật tự quản lý đô thị, khắc phục ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy thế, nhiều người dân lại cho rằng, lỗi do người bán hàng rong chỉ một phần, phần còn lại là do các cơ quan chức năng đã không làm tròn trách nhiệm. Với tình hình như hiện nay thì ngay cả khi cấm hàng rong, tình trạng thức ăn không đảm bảo VSATTP vẫn cứ tồn tại ở những cửa hiệu được phép kinh doanh, chế biến…
Ông Phạm Văn Hải, một người dân ở ngõ Phất Lộc (Hàng Buồm - Hoàn Kiếm) nói: “Hàng rong không phải là thủ phạm chính gây ùn tắc giao thông, bởi nạn ùn tắc bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác như đào đường, thi công công trình, quá tải xe cộ, úng ngập, đường sá hỏng… Nên sau khi cấm hàng rong mà những tiêu cực trong quản lý trật tự đô thị không biến chuyển thì phải xem xét lại”. Vẫn theo ông Hải, trước mắt cần quản lý chặt những đối tượng bán hàng rong đeo bám du khách, lấn chiếm lòng đường. “Nhiều năm nay, chủ trương cấm hàng rong đeo bám du khách, lấn chiếm lòng đường đã được khởi xướng rất nhiều lần rồi nhưng rồi đâu lại vào đấy, không hiệu quả”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTCC Hà Nội, một trong những hướng mà Hà Nội có thể làm để “tìm lối ra” cho người bán hàng rong là sẽ xây dựng các “chợ” để dành riêng cho người bán hàng rong. Hiện Sở GTCC Hà Nội đang nghiên cứu khảo sát một vài địa điểm để bà con có thể bán hàng rong theo hình thức có quản lý. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là chủ trương, còn hiện thực thì chỉ nay mai thôi, cho dù còn lắm tâm tư, nhiều ý kiến và không ít người rơi vào cảnh khó khăn vì chưa biết “tìm lối ra” cho gánh hàng rong của mình thế nào, thì việc cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến phố, điểm di tích của Hà Nội vẫn được triển khai.
Văn Phúc Hậu