Cách đây 90 năm, ngày 18-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc gặp Khánh Ký, một người Việt Nam làm nghề nhiếp ảnh hoạt động trong “Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp”. Tại cuộc gặp này, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã tiếp cận với các tờ báo L’Humanité” (Nhân Đạo) và Le Populaire (Dân Chúng) để tìm việc cho Phan Chu Trinh.
Ngày 18-12-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc tham gia buổi thảo luận của Thư ký Liên đoàn công nhân xe lửa về chủ đề: quyền bãi công.
Ngày 18-12-1924, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo tới Quốc tế Cộng sản cho biết đã triển khai những nhiệm vụ được trao, yêu cầu các đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc cần quan tâm đến Đông Dương, đồng thời cũng cho biết lúc này đang đóng vai một người Trung Hoa với bí danh là Lý Thụy.
Ngày 18-12-1940, trên tờ Cứu Vong Nhật Báo, Nguyễn Ái Quốc viết bài Việt Nam “phục quốc quân” hay “mại quốc quân”, tố cáo âm mưu của phát xít Nhật sử dụng một số tay sai người Việt xây dựng nhóm vũ trang mang tên “Phục quốc quân” để gây sức ép với đế quốc Pháp cũng như hướng phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam phục vụ cho mưu đồ của Nhật Bản. Bài báo cảnh tỉnh: “Chúng ta cần phân biệt rõ các đoàn thể chính trị và vũ trang Việt Nam, không nên nhầm các tổ chức Việt gian thành phong trào dân tộc”.
Ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Trần Tu Hòa, đại diện Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa tại Việt Nam, yêu cầu lui thời gian tiến hành tổng tuyển cử và có đại biểu đảng phái chính trị tham gia thành lập chính phủ liên hiệp. Cùng ngày Bác ký sắc lệnh lùi ngày tổng tuyển cử tới 6-1-1946.
Ngày 18-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Bác, đã quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Cùng ngày, Bác vẫn gửi tiếp một bức điện cho Thủ tướng Pháp Lêông Bơlum nhằm cứu vãn tình hình bằng việc hoan nghênh ý tưởng cử “một đoàn đại biểu Quốc hội Pháp sang Việt Nam mang tinh thần hữu nghị của nhân dân Pháp tới nhân dân Việt Nam và để nắm bắt tình hình”.
Ngày 18-12-1954, tại thủ đô mới giải phóng, Bác đến thăm và nói chuyện với thầy trò các trường phổ thông: Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Trưng Vương. Bác nói: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc. Ngày nay dân tộc ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người của tương lai nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò của người chủ thì phải: Học tập... Học phải đi đôi với hành...”.
Ngày 18-12-1964, đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ “4 tốt” ở khu vực ngoại thành Hà Nội, Bác căn dặn: “...cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của thủ đô xã hội chủ nghĩa”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự