Ngày 23-12, sẽ công bố đợt 2 danh sách các điểm bán thực phẩm đạt chuẩn VietGAP

° PV:
Ngày 23-12, sẽ công bố đợt 2 danh sách các điểm bán thực phẩm đạt chuẩn VietGAP

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM:

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã công bố chuỗi các điểm bán thực phẩm an toàn (TPAT) đầu tiên tại TPHCM. Vậy cách thức triển khai, đâu là tiêu chí của các điểm bán và TP sẽ làm gì để ổn định nguồn cung các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP? PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa (ảnh), Phó Giám đốc Sở Công thương để làm rõ những vấn đề nêu trên.

° PV: An toàn thực phẩm đã và đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của lãnh đạo cũng như người dân TPHCM. Ông có thể cho biết, Sở Công thương đang phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện vấn đề này như thế nào?

Ngày 23-12, sẽ công bố đợt 2 danh sách các điểm bán thực phẩm đạt chuẩn VietGAP ảnh 1

° Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: Theo chức năng, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai các nhiệm vụ: thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) và tập huấn xác nhận kiến thức ATTP cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn quy định của pháp luật về ATTP; thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo ATTP... xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về điều kiện ATTP.

Ngoài ra, để có sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng trên địa bàn TP, hàng năm Sở Công thương tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, tìm kiếm, giới thiệu các nguồn hàng đảm bảo chất lượng, ATTP vào hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân TP.

° Thực hiện chủ trương của TP về  Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi TPAT trên địa bàn TPHCM, sở đã triển khai đề án này đến đâu, thưa ông?

° Việc xây dựng mô hình chuỗi ATTP nhằm mục đích giám sát và đảm bảo chất lượng hàng hóa, đảm bảo ATTP, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho thực phẩm Việt Nam. Theo kế hoạch của UBND TPHCM, giai đoạn 2011 - 2015 mô hình chuỗi sẽ áp dụng cho các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, giết mổ, trồng trọt sản phẩm rau củ quả, gia súc, gia cầm và thủy hải sản.

Sở Công thương với vai trò là thành viên Ban quản lý đề án, phối hợp với các sở - ngành thực hiện thẩm định các cơ sở đăng ký tham gia chuỗi. Tính đến nay sở đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi TPAT cho các mặt hàng rau củ quả và thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản với tổng sản lượng hàng năm lên đến gần 40.000 tấn rau, 20.000 tấn quả, 9.000 tấn thịt heo, 9.500 tấn thịt gà, 130 triệu quả trứng gà, 1.600 tấn thủy sản… 

Theo đó, sở cũng đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức kết nối sản phẩm chuỗi TPAT với hệ thống phân phối trên địa bàn, đến nay hầu hết các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi đều có bán trong hệ thống phân phối trên địa bàn TP.

Nhân viên kỹ thuật của Saigon Co.op đang kiểm tra các mẫu rau bán trong siêu thị

° Ông có thể cho biết sơ lược về triển khai các điểm bán TPAT mà TPHCM vừa công bố? Quá trình triển khai đã gặp thuận lợi và khó khăn gì?

Sở đã triển khai đến các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đăng ký tham gia điểm bán hàng ATTP đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Trên cơ sở đăng ký của DN, sở sẽ phối hợp các cơ quan hữu quan để kiểm tra, xác nhận và thông tin đến người tiêu dùng để biết và an tâm mua sắm. Cho đến thời điểm hiện nay, qua đăng ký đợt đầu của các DN đã có 246 địa điểm bán sản phẩm VietGAP được DN công bố đến người tiêu dùng, với các nhóm hàng chính là thịt heo, thịt bò, rau củ quả, thịt gia cầm và trứng gia cầm.

Sở Công thương yêu cầu các đơn vị phân phối phải quan tâm đầu tư, mua sắm các trang thiết bị bán hàng phù hợp, tổ chức quy hoạch khu bán hàng riêng biệt tập trung, có chỉ dẫn và thông tin rõ ràng để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết trong khi mua sắm. Nhân viên bán hàng phải được tập huấn và nắm vững các quy định về kinh doanh hàng thực phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để cung cấp thông tin và giới thiệu quảng bá cho người tiêu dùng.
Sở Công thương còn đề nghị các đơn vị phân phối phải cung cấp rõ danh sách các nhà cung cấp, quy trình sản xuất và năng lực cung ứng của từng đơn vị. Trên cơ sở đó các cơ quan chức năng sẽ phối hợp, đánh giá, tư vấn cho các đơn vị hoàn thiện các quy trình sản xuất theo đúng quy định để sản phẩm làm ra đạt yêu cầu tiêu chuẩn VSATTP và bảo đảm nguồn hàng cung cấp ổn định, lâu dài.

Ngoài ra chúng tôi khuyến khích các nhà sản xuất, nhà phân phối tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, chú ý bao bì mẫu mã để tạo sự khác biệt về “đẳng cấp” của những sản phẩm đạt chuẩn VSATTP. Chúng tôi tin rằng một khi sản phẩm có sự khác biệt rõ nét và tạo được sự tin tưởng thì người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng với giá cao hơn ở mức hợp lý, đúng theo “tiền nào của nấy”. Điều này sẽ cho phép các nhà sản xuất, nhà phân phối có nguồn kinh phí để đầu tư duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng các tiêu chuẩn để bảo đảm cung cấp những sản phẩm đạt chuẩn VSATTP một cách ổn định và cùng nhau phát triển bền vững, lâu dài.

Về thuận lợi, hầu hết các địa điểm bán hàng này có cơ sở vật chất tốt, đáp ứng được các điều kiện đảm bảo ATTP, có quy trình và đội ngũ cán bộ quản lý ATTP, kiểm soát được đầu vào của sản phẩm… Khó khăn, nguồn cung các sản phẩm VietGAP hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

° Như vậy, vấn đề mấu chốt của việc phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm là phải có nguồn hàng cung ứng ổn định và đảm bảo chất lượng. Sở sẽ làm gì để giải quyết 2 nội dung này?

° Như trên đã nói, ngoài việc khuyến khích các DN đầu tư phát triển sản xuất, chúng tôi cũng đang tích cực, chủ động phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành rà soát, giới thiệu thêm nguồn hàng cho hệ thống này và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm VietGAP của các địa phương để khuyến khích nhà sản xuất gia tăng sản lượng. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát việc đưa hàng hóa vào các điểm phân phối trong chuỗi cũng sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

° Trên thực tế, năm 2013, Sở Công thương cũng đã chủ trì buổi ký kết hợp tác phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP giữa Saigon Co.op với các nhà cung cấp. Việc triển khai chuỗi cửa hàng lần này, có gì khác biệt so với các điểm bán của Saigon Co.op đang phân phối các sản phẩm VietGAP từ trước đó?

° Chương trình năm 2013 chỉ mới thử nghiệm tổ chức phân phối sản phẩm rau củ quả VietGAP theo khu vực riêng biệt trong hệ thống siêu thị Co.opmart. Chương trình năm nay được tổ chức quy mô, số lượng mặt hàng được bổ sung đa dạng, phong phú hơn với nhiều sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm… Ngoài ra, trong chương trình này, địa điểm phân phối được DN công bố chính thức, rõ ràng cùng với cam kết mạnh mẽ của DN đưa ra để người tiêu dùng có thể kiểm tra, kiểm soát và an tâm mua sắm, tiêu dùng.

Chương trình sẽ tiếp tục nhân rộng ra các hệ thống phân phối khác, Sở Công thương tiếp tục nhận sự đăng ký cam kết của các đơn vị theo các nội dung nêu trên. Chúng tôi sẽ tổ chức công bố các điểm phân phối kinh doanh các mặt hàng đạt chuẩn VSATTP đợt 2 vào ngày 23-12 sắp tới. Chúng tôi mong muốn cùng với các nhà phân phối, các nhà sản xuất giới thiệu thêm những điểm bán các mặt hàng đạt chuẩn, với nguồn hàng cung ứng ổn định để người tiêu dùng thuận tiện trong việc mua sắm. Đồng thời qua đây cũng sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm và đạo đức trong kinh doanh của các nhà phân phối và nhà sản xuất trong quá trình hoạt động của mình để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, hướng tới sự phát triển bền vững.

° Xin cảm ơn ông!

THÚY HẢI (thực hiện)

>> Danh sách cửa hàng đăng ký kinh doanh thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGap

Tin cùng chuyên mục