Ngày 28-8, Formosa chuyển 250 triệu USD tiền bồi thường còn lại

Ngày 28-8, Formosa chuyển 250 triệu USD tiền bồi thường còn lại

(SGGPO).–  Sáng ngày 26-8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sơ kết việc thực hiện chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị. Ảnh: Phan Thảo

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong thời gian vừa qua xâm nhập mặn, hạn hán đã xảy ra ở vùng ĐBSCL, hạn hán ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung làm thiệt hại nặng nề. Để góp phần cùng với nhà nước hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam đã ban hành Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Đồng thời tổ chức giám sát nguồn hỗ trợ của nhà nước đối với nhân dân bị thiệt hại do hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung để bảo đảm sự hỗ trợ của nhà nước kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế những sai phạm, thất thoát trong hoạt động hỗ trợ. “Lần đầu tiên các tổ chức thành viên của mặt trận ký kết để cùng hỗ trợ người dân. Đấy là cách làm kịp thời, thiết thực, hiệu quả”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, qua hơn 3 tháng triển khai, tổng số tiền Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của mặt trận, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam vận động được và hiện vật quy ra tiền là trên 204 tỷ đồng (trong đó tiền mặt trên 150 tỷ đồng). Từ nguồn vận động này đã hỗ trợ được trên 193.726 lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt với số tiền trên 150 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1.861 tấn gạo. Như vậy, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra (vận động trên 204 tỷ đồng/80 tỷ; hỗ trợ được 193.726 lượt hộ/45.000 hộ). Một số tỉnh thành phố vận động, hỗ trợ đạt kết quả cao như: TPHCM 21 tỷ đồng, TP Hà Nội 19 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 6,1 tỷ đồng, Nam Định 1,8 tỷ đồng, Hà Nam hơn 1 tỷ đồng,…

Đáng chú ý, qua hoạt động giám sát cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, ít sai sót: đã hỗ trợ hơn 4.309 tấn gạo đến 40.043 hộ dân; hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại hơn 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ cho 8.111 chủ tàu thuyền do ngừng khai thác là 53.359 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổng số tiền và hiện vật của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vận động và tiếp nhận được là hơn 45 tỷ đồng và 149 tấn gạo. Hiện  4 tỉnh này đã chi hỗ trợ hơn 32 tỷ đồng (số chưa phân bổ 5,63 tỷ đồng); hỗ trợ 149 tấn gạo; tặng hàng ngàn suất quà trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Qua giám sát, Mặt trận đánh giá, ở các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, ít sai sót. Các chính sách của Chính phủ đã được thực hiện tương đối tốt như hỗ trợ gạo cho ngư dân, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ chủ tàu thuyền ngừng khai thác. Việc tiếp nhận, phân bổ sử dụng tiền hàng từ Trung ương và các tỉnh, thành phố trong nước được tiến hành công khai minh bạch, đúng đối tượng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tuy nhiên, việc hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường còn chậm. Một số tàu thuyền có công suất từ  90 CV trở lên chưa được hỗ trợ vì theo Quyết định 772/QĐ - TTg chỉ hỗ trợ tàu thuyền có công suất dưới 90 CV trở xuống. Một số tỉnh thành chưa tích cực vận động nguồn lực để ủng hộ nhân dân các tỉnh bị thiệt hại. Ở một số tỉnh chưa kịp thời phân bổ hết số tiền tiếp nhận được cho nhân dân. “Hiện nay có quá nhiều cuộc vận động ủng hộ, dẫn đến trùng chéo. Khi phát động nhân dân còn băn khoăn nên kết quả ủng hộ bị phân tán, gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cơ sở”, Ủy ban Trung ương MTTQ VN đánh giá.

Vì vậy, Mặt trận kiến nghị Chính phủ thống nhất với các cơ quan Trung ương để các cuộc vận động hỗ trợ tập trung về một đầu mối, tránh phát động nhiều cuộc vận động gây băn khoăn trong nhân dân. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị tiếp tục rà soát số tiền và hiện vật hiện chưa phân bổ để tiếp tục hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại. Cùng với đó, giám sát nguồn kinh phí hỗ trợ, đền bù cho nhân dân bị thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị mặt trận giám sát chặt chẽ ngay từ đầu việc  triển khai 500 triệu USD bồi thường của Formosa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là dành tối đa để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.  Bảo đảm làm sao số tiền bồi thường phải đến được tay người dân, không có thất thoát, tiêu cực.

Sáng 26-8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, đến giờ này Formosa đã chuyển vào Kho bạc Nhà nước 250 triệu USD tiền bồi thường sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ của các ngành, 4 địa phương bị thiệt hại, nhưng đến nay, mới chỉ có tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo cáo về phương án hỗ trợ, còn 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh chưa có báo cáo. Số tiền 250 triệu USD còn lại ngày 28-8 tới, Formosa sẽ chuyển tiếp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, cho biết, khi có tiền rồi thì sẽ hỗ trợ theo phương án, tiêu chí. Cứ 15 ngày, các bộ ngành, địa phương sẽ phải báo cáo tình hình hỗ trợ 1 lần. Như vậy, cho đến nay tiền bồi thường của Formosa vẫn chưa được triển khai đến người dân bị thiệt hại.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã  ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường gồm 19 thành viên do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban. Các thành viên khác gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan và Chủ tịch UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường (giải pháp ổn định đời sống).

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục