Kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người làm sách tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc cả nước những cuốn sách hay, đặc sắc về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là hướng đến những bạn đọc trẻ hôm nay.
Từ những trang tự truyện…
Có thể nói, những năm gần đây các sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh những tác phẩm mang đậm tính văn học miêu tả cuộc chiến tranh thống nhất đất nước qua năng lực của nhà văn thì đã xuất hiện dòng sáng tác theo dạng tự truyện, hồi ký của chính những nhân vật đã từng sống, chiến đấu qua thời kỳ lịch sử đó.
Có thể điểm qua Có một thời như thế của tác giả Võ Minh, cựu binh Trung đoàn 271, miền Đông Nam bộ; Ký ức chiến tranh của Vương Khả Sơn; Được sống và kể lại của Trần Luân Tín… đặc biệt là cuốn Quân khu Nam Đồng của Bình Ca tái hiện một góc khác của cuộc chiến tranh mà trước đó hầu như chưa được nhắc đến.
Năm nay, NXB Trẻ giới thiệu tác phẩm mới cũng nằm trong mạch tự truyện là cuốn Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến, nhập ngũ tháng 9-1971, liên tục chiến đấu ở các chiến trường Nam Lào, Tây Nguyên, tham gia trận đánh giải phóng Sài Gòn.
So với các tác phẩm khác cùng thể loại, Hồi ức lính có thể xem là kỷ lục về độ dày với hơn 700 trang. Trên thực tế có thể xem tác phẩm như một dạng “Nhật ký chiến trường” khi tác giả dày công ghi chép khá đầy đủ những câu chuyện, chi tiết từ giai đoạn chuẩn bị nhập ngũ cho đến khi tham dự trận đánh cuối cùng vào căn cứ Đồng Dù trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Mỗi ngày một ít, thiếu chỗ nào, quên chỗ nào có bạn bè, đồng đội, đồng chí cùng đơn vị hỗ trợ để nhớ lại như tác giả tự nhận: “Với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết Hồi ức lính để kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ, cảm nhận khi đó…”. Chính vì thế, tác phẩm đã cuốn người đọc đến cuộc sống của người lính một thời chiến tranh, ở đó có sự lo lắng, háo hức của người thanh niên ra trận, có những dũng cảm, ươn hèn, có vỡ mộng, có tin tưởng và thất vọng, có bản năng và lý trí… tất cả được thể hiện đầy chân thật không một chút hoa mỹ, kiểu cách.
Sách Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến
Có thể nói Hồi ức lính đã tiếp nối những tác phẩm đi trước giúp bạn đọc hôm nay, nhất là bạn đọc trẻ, những người sinh ra trong hòa bình hình dung về những gì mà thế hệ cha anh đã trải qua một cách gần gũi, thực tế nhất.
Năm 2015, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt gây bất ngờ với bạn đọc qua tác phẩm Bút ký lính tăng - Hành trình đến Dinh Độc Lập.
Khác với các tự truyện của những người lính khác, cuốn bút ký được thể hiện dưới cả hai góc độ. Đầu tiên, dưới cái nhìn của một người lính khi tác giả còn là chiến sĩ lái xe tăng số 380 (cùng đội hình chiến đấu với chiếc 390, 843 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975). Thứ hai, là cái nhìn lại cũng của chính tác giả nhiều năm sau khi đã trở thành một sĩ quan cao cấp của Binh chủng Tăng thiết giáp.
Chính những yếu tố trên đã tạo cho tác phẩm những nét độc đáo riêng khi khắc họa hình ảnh những người lính trong chiến tranh.
Năm nay, Nguyễn Khắc Nguyệt giới thiệu một tác phẩm cũng về những người đồng đội với nhan đề 1 chọi 10: Trận đấu tăng bi tráng. Tác phẩm phản ánh trận đánh ngày 24-4-1972 trong chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh (Tây Nguyên). Xe tăng 377 do thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã phải đối đầu với cùng lúc 10 xe tăng M41 của quân đội chế độ cũ và đã anh dũng chiến đấu, bắn cháy 7 xe tăng địch trước khi xe bị cháy, toàn bộ kíp chiến đấu trên xe hy sinh.
Đây được xem là một trong những trận đấu tăng hiếm hoi của chiến tranh Việt Nam và là trang sử hào hùng của Binh chủng Tăng thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tác giả thông qua những hiểu biết thực tế, những tư liệu lịch sử đã tái hiện lại câu chuyện của những người lính tăng làm nên lịch sử.
Đến những tác phẩm văn học
Nhà văn cựu chiến binh, đại tá Chu Lai là cái tên quen thuộc với bạn đọc qua 14 tác phẩm của ông viết về đề tài chiến tranh cách mạng như: Nắng đồng bằng; Ăn mày dĩ vãng; Cuộc đời dài lắm; Khúc bi tráng cuối cùng…
Vào dịp 30-4 năm nay, tác giả giới thiệu tác phẩm mới nhất với nhan đề Mưa đỏ. Lấy bối cảnh cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, một trong những chiến dịch quân sự khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, tác giả tái hiện lại cuộc chiến năm đó qua hai góc nhìn, người chiến sĩ giải phóng quân bảo vệ Thành cổ và người lính Việt Nam Cộng hòa cố gắng giành lấy.
Khép lại tiểu thuyết là cảnh hai bà mẹ của hai nhân vật chính ở hai chiến tuyến cùng trở lại Thành cổ viếng mộ con. Họ tình cờ gặp nhau, cùng thắp những nén hương lên hai ngôi mộ, khép lại một quá khứ bi thương của dân tộc để cùng nhau nghĩ về đất nước, hướng đến tương lai…
Có một chi tiết đáng chú ý, theo các nhà phê bình thì Mưa đỏ mang nhiều dấu ấn điện ảnh, có lẽ với tác phẩm này, nhà văn Chu Lai dự kiến trước để chuyển thành tác phẩm điện ảnh trong tương lai gần.
| |
TƯỜNG VY