Ngày cuối thi cao đẳng: Đề văn nói về lòng yêu nước chân chính

Đề văn: Lòng yêu nước chân chính gắn với những cống hiến suốt đời
Ngày cuối thi cao đẳng: Đề văn nói về lòng yêu nước chân chính

(SGGPO). – Sáng 16-7, các thí sinh bước vào môn thi cuối cùng của khối A, A1, B, C, D và D1 – kỳ thi cao đẳng năm 2014. Sau ngày thi đầu tiên với đề thi khá “dễ thở”, nhiều thí sinh bước vào buổi thi sáng nay với tâm lý khá tự tin và thoải mái. Sáng nay, thí sinh khối A, A1 thi môn lý; thí sinh khối B thi môn sinh; thí sinh khối C, D thi môn ngữ văn.

Đề sinh, lý nhẹ nhàng

Nhiều thí sinh thi khối B tại điểm Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đều nhận xét, đề sinh học thi vào cao đẳng năm nay dễ, kiến thức nhẹ nhàng, khả năng lấy được điểm 8 cao. “Đề sinh gồm 50 câu với lý thuyết chiếm 80-90%. Nội dung đều nằm trong trọng tâm ôn tập, nếu nắm chắc lý thuyết thì cũng có thể đạt 6-7 điểm vì đề thi có lượng lý thuyết quá nhiều. Đề Sinh năm nay gần như không có sự phân loại học sin”, thí sinh Trần Thị Thu Hằng, THPT Giao Thủy A, Nam Định dự thi vào Cao đẳng y tế Hà Nội nhận xét.

Thí sinh thi vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn sau giờ thi môn Lý. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh thi vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn sau giờ thi môn Lý. Ảnh: Mai Hải

Với đề thi môn vật lý ở hai khối A và A1, các thí sinh đều nhận định, đề thi khá nhẹ nhàng, nhiều thí sinh tự tin mình đạt được điểm cao. Tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, nhiều thí sinh nhận định đề thi tương đối dễ, những thí sinh học lực trung bình có thể dễ dàng đạt được điểm 5. So với đề thi đại học thì đề thi lý của cao đẳng dễ hơn nhiều. Trong đề chỉ có khoảng 6-7 câu có tính chất phân loại thí sinh.

Như vậy, về cơ bản, các thí sinh đều nhận thấy đề thi các môn vào cao đẳng năm nay khá nhẹ nhàng so với đề thi đại học. Nhiều thí sinh vì vậy tự tin khả năng đỗ cao.
 
Đề văn: Lòng yêu nước chân chính gắn với những cống hiến suốt đời

Đáng chú ý nhất là đề thi ngữ văn sáng nay. Vẫn với cấu trúc 3 phần quen thuộc, đề thi cao đẳng được đánh giá là hay, tiếp tục là cách ra đề mở, gắn văn học với cuộc sống để thí sinh thể hiện năng lực cảm thụ văn học cũng như bày tỏ chiều sâu suy nghĩ trước vấn đề của cuộc sống. Câu 1 là phần đọc hiểu, yêu cầu thí sinh chỉ ra biện pháp tu từ và ý nghĩa của biện pháp tu từ, các hình ảnh trong một đoạn thơ thuộc tác phẩm "Chiều xuân" của Anh Thơ.

Câu hai là bài nghị luận xã hội buộc thí sinh trình bày suy nghĩ về đoạn văn nói về lòng yêu nước: "Lòng yêu nước chân chính có thể trào lên như những cảm xúc bồng bột, những hành vi nhất thời nhưng bao giờ cũng thuộc về nguồn tình cảm bền vững, gắn với những cống hiến suốt đời". Câu ba là nghị luận văn học yêu cầu người làm nêu cảm nhận về nhân vật Chiến và Việt trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" của tác giả Nguyễn Thi.

Tại trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoái mái khi nhận xét, đề văn không quá khó, quá dài, các em đều đủ thời gian làm bài và khá tâm đắc với nội dung bài viết. “Em thích nhất là câu nghị luận về lòng yêu nước chân chính. Hơn lúc nào hết, lúc này em được viết về lòng yêu nước với trọn vẹn cảm xúc của mình. Vừa qua, khi tình hình căng thẳng trên biển Đông diễn ra, cùng với đó là những sự cố diễn ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh do lòng yêu nước bị kích động.. chúng em đã được đọc rất nhiều, được hiểu rất nhiều thế nào là lòng yêu nước chân chính.

Những cảm xúc bồng bột, những hành vi nhất thời có thể thể hiện lòng yêu nước nhưng đôi khi lại thành gây họa cho lợi ích chung. Chỉ có lòng yêu nước bền vững thì mới trở thành những công dân tốt của Tổ quốc. Và trên hết, phải có ý thức học tập, làm việc, cống hiến để xây dựng đất nước giàu mạnh”, thí sinh Nguyễn Thanh Hiền, trường THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ. Em cho biết các bạn cùng phòng đều thích câu nghị luận rất thời sự, rất gợi mở này.

Như vậy, không chỉ đề văn thi đại học mà đề thi văn thi cao đẳng đều chung một cấu trúc mà trước đó Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn. Đây là năm đầu tiên bộ đổi mới cách ra đề văn, không còn phần tự chọn. Đề văn có phần đọc hiểu và phần cảm thụ văn học, trong đó có câu nghị luận văn học để thí sinh bày tỏ suy nghĩ trước một vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Các câu hỏi mở năm nay đều hướng học sinh đến thể hiện lòng yêu nước chân chính, khát vọng cống hiến cho đất nước. Và đặc biệt, dù trực tiếp hay gián tiếp thì câu hỏi mở đều đề cập đến tình hình biển Đông hiện nay, với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vì là kỳ thi cao đẳng nên tâm lý của thí sinh, của các giám thị dường như nhẹ nhàng hơn so với 2 đợt thi đại học trước đó. Một số hội đồng thi còn để xảy ra những sơ suất không đáng có. Thể hiện rõ nhất là qua phát hiện của đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo TƯ kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ quốc gia năm 2014 do Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng dẫn đầu kiểm tra đột xuất một số Hội đồng tuyển sinh tại tỉnh Thái Nguyên vào ngày 15-7.

Đoàn đã kiểm tra đột xuất tại một số điểm thi của Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên và Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp. Tại thời điểm kiểm tra đoàn đã phát hiện tại điểm thi Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên và Trường Cao đẳng công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Bộ Công thương) có sai sót trong công tác coi thi.  Cụ thể, một số phòng thi xếp danh sách thí sinh không liên tục theo vần chữ cái A-B-C đúng theo quy chế thi.

Một số giám thị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, có hiện tượng thí sinh trao đổi bài mà không nhắc nhở kịp thời; một số giám thị khác ngồi không đúng vị trí trong phòng khi coi thi. Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh phải có biện pháp xử lý các trường hợp giám thị bị đoàn nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm trong quá trình coi thi.

PHAN THẢO

- Gợi ý giải đề Văn (khối C, D) cao đẳng năm 2014

- Gợi ý giải đề Sinh (khối B) cao đẳng năm 2014

- Gợi ý giải đề Lý (khối A) cao đẳng năm 2014

Tin cùng chuyên mục