Hôm qua, trước khi bắt đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 (khóa XIII). Đáng lưu ý, nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: giải pháp về xử lý nợ xấu, an toàn các dự án, công trình thủy điện; phòng, chống tội phạm đã được Chính phủ cam kết tiếp tục thực hiện quyết liệt.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh), đã triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu như: cơ cấu lại nợ, giãn nợ, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm; xử lý nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của tổ chức cho vay; mua bán nợ...
Tuy vậy, đến nay, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả còn hạn chế. Đây là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của ngành ngân hàng và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại theo lộ trình, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hóa và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu… Về chính sách tiền tệ, theo Phó Thủ tướng, sẽ tập trung vốn các lĩnh vực ưu tiên; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ; miễn, giảm lãi phải trả; tạo điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp có triển vọng nhưng đang gặp khó khăn...
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đã có chính sách ưu đãi đối với cả tổ chức tín dụng và đối tượng vay vốn, nên dư nợ trong lĩnh vực này đạt khá và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ toàn hệ thống. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những giải pháp này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn; có chính sách triển khai quá chậm. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp: tiếp tục kiểm định an toàn đập hồ chứa thủy điện định kỳ; rà soát, điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, chiếm nhiều diện tích đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và cấp nước vùng hạ du; kiên quyết xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đúng quy định về giám sát, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình…
Để ổn định đời sống nhân dân tại khu vực chịu ảnh hưởng của các dự án thủy điện, Chính phủ đã có cơ chế riêng, trong đó giao UBND cấp tỉnh là chủ đầu tư hợp phần di dân tái định cư. Đối với từng dự án cụ thể, Chính phủ có chính sách riêng để bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống ổn định, tốt hơn nơi ở cũ.
H.MY
>> Phải báo cáo kết quả rà soát thủy điện
>> Chuyển bất động sản thương mại sang nhà ở xã hội
| |