Ngày đầu tiên thi ĐH-CĐ đợt 1 năm 2014: Xuất hiện nhiều sự cố

(SGGPO).- Ngày 4-7, thí sinh cả nước dự thi vào các trường khối A, A1 đã hoàn tất 2 môn thi Toán và Vật lý. Sáng 5-7, thí sinh khối A thi môn Hóa; thí sinh khối A1 thi môn tiếng Anh để kết thúc đợt thi thứ nhất kỳ thi ĐH-CĐ năm 2014.
Ngày đầu tiên thi ĐH-CĐ đợt 1 năm 2014: Xuất hiện nhiều sự cố

(SGGPO).- Ngày 4-7, thí sinh cả nước dự thi vào các trường khối A, A1 đã hoàn tất 2 môn thi Toán và Vật lý. Sáng 5-7, thí sinh khối A thi môn Hóa; thí sinh khối A1 thi môn tiếng Anh để kết thúc đợt thi thứ nhất kỳ thi ĐH-CĐ năm 2014.

39 thí sinh bị đình chỉ thi

Báo cáo tổng hợp của Bộ GD-ĐT về ngày thi thứ nhất 4-7 của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 cho biết, số trường đại học tổ chức thi là 141 trường; số điểm thi là 983; số phòng thi là 24.051. Trong ngày đầu tiên, số thí sinh đến dự thi là 592.940, đạt tỷ lệ 77,24 %.

Kiểm tra phiếu báo danh thí sinh trước khi vào phòng thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Kiểm tra phiếu báo danh thí sinh trước khi vào phòng thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Bộ đánh giá, đề thi không có sai sót, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Các Hội đồng  tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế  tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. 

Trong ngày thi toán và lý, trên phạm vi cả nước, có 54 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó  khiển trách là 13 ; cảnh cáo 2; đình chỉ 39. Lý do thí sinh bị kỷ luật chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi. Có 7 trường hợp đến muộn không được dự thi.

Các Hội đồng thi diễn ra bình thường, không có hiện tượng gì đặc biệt,  đảm bảo cho thí sinh đến dự thi ở tất cả điểm thi đúng quy định. Không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Lực lượng tiếp sức mùa thi nắm tay làm dải phân cách để tránh kẹt xe trên đường An Dương Vương trước cổng ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn. ẢNH: MAI HẢI.

Lực lượng tiếp sức mùa thi nắm tay làm dải phân cách để tránh kẹt xe trên đường An Dương Vương trước cổng ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn. ẢNH: MAI HẢI.

Các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện… đã chung tay tiếp sức mùa thi: huy động 22.000 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ thí sinh đến dự thi; các tổ chức xã hội đã hỗ trợ được 30.200 các xuất ăn miễn phí; hỗ trợ 38.292 chỗ ở miễn phí.

“Ngày thi thứ nhất, đợt 1, kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2014 đã diễn ra bình thường đảm bảo đúng quy định quy chế”- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 khẳng định.

TPHCM: Nhiều sự cố
 
Tại Trường ĐH Hoa Sen, 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ. Tại điểm thi của Hội đồng thi Trường ĐH Cần Thơ, 2 thí sinh bị đình chỉ do mang ĐTDĐ, 2 thí sinh bị cảnh cáo do trao đổi giấy nháp trong lúc làm bài. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM có 1 thí sinh mang ĐTDĐ vào phòng thi dù đã tắt nguồn nhưng bị giám thị phát hiện và đình chỉ thi. Ngoài ra, tại điểm thi của trường này có 1 thí sinh đến lúc 9 giờ và xin vào trường chỉnh sửa giấy báo thi. Sau khi kiểm tra, thí sinh mới biết mình bị nhầm và đi trễ giờ nên không được vào thi.
 
Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: 1 thí sinh tại điểm thi Trường THCS Bình Thọ bị đình chỉ do phát hiện mang ĐTDĐ vào phòng thi. Ngoài ra, 1 thí sinh tại điểm thi Trường THCS Phước Bình bị xuất huyết, ói, được cán bộ an ninh, y tế đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận 9.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Thí sinh này chỉ làm bài thi khoảng 45 phút thì bị bệnh được đưa đi cấp cứu ngay và không trở lại dự thi”.

Tại điểm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7), 1 thí sinh đi trễ 10 phút sau khi làm bài và không được vào thi. Theo thí sinh trình bày, do ở Thủ Đức sáng ngủ dậy trễ nên mới bị trễ giờ thi. Tại điểm thi Trường THPT Lương Văn Can (Hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên) có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do có biểu hiện tâm thần. Thí sinh P.T.V. (đề nghị không nêu rõ tên), sau khi được phát đề thi, thí sinh điền môn thi: “Biết gì ghi nấy”, ghi tên GS Lương Văn Can… và cầm đề bỏ chạy ra khỏi phòng thi và bị giữ lại. Hết giờ không chịu về và nhà trường phải mời phụ huynh đến dẫn về.

Trả lời PV Báo SGGP về vấn đề đối tượng và ưu tiên khu vực có nhiều sai sót, PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh, cho rằng: “Đúng là vấn đề điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực năm nay chỉnh sửa khá nhiều. Riêng Trường ĐH Kinh tế Luật trong ngày làm thủ tục đã chỉnh sửa cho 60 trường hợp. Tuy nhiên, chắc chắn nhiều thí sinh chưa chỉnh sửa kịp vì không mang theo các giấy tờ liên quan để chứng minh. Do đó, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian để đảm bảo cho thí sinh. Riêng ĐH Quốc gia TPHCM đã cho giấy hẹn chỉnh sửa để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh”.  

 Nguy cơ sử dụng thiết bị kỹ thuật cao để gian lận

Ngày 4-7, Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ quốc gia năm 2014 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức thi tại Học viện Ngân hàng và Trường Kinh tế quốc dân. Kiểm tra tại Trường THPT Kim Liên, Hà Nội, (điểm thi của Học viện ngân hàng), Theo báo cáo của ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng, tại điểm thi Trường THPT Kim Liên, có một nữ thí sinh đeo máy trợ thính vào phòng thi. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhà trường vẫn để thí sinh dự thi bình thường ở phòng thi và yêu cầu cán bộ coi thi đặc biệt chú ý. Học viện đã mời công an PA83 vào cuộc xác minh.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lưu ý, quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không phát âm, phát hình trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác để chống tiêu cực. Nếu thí sinh lợi dụng chống tiêu cực để tiêu cực, mang những thiết bị công nghệ cao để gian lận khi làm bài nếu bị phát hiện sẽ bị đình chỉ thi. “Chính vì vậy, vai trò của giám thị trong phòng thi rất quan trọng. Những thiết bị công nghệ cao rất đa dạng nên nếu giám thị phát hiện thí sinh mang những thiết bị nghi ngờ mà tự mình không nhận dạng được thì báo cho điểm thi để xử lý”, ông Ga nhấn mạnh.

Cùng ngày, đoàn kiểm tra đột xuất của Ban chỉ đạo Quốc gia kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 do ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra một số hội đồng thi tại Hà Nội.

Tại Học viện Cảnh sát nhân dân, nhà trường cho biết, trong buổi môn thi toán đã có một thí sinh mang thiết bị có nhiều nghi vấn nên cán bộ coi thi đã tạm thời niêm phong trước khi cho trường hợp này vào phòng thi. Thiết bị khả nghi là chiếc đồng hồ điện tử đeo tay có màn hình hiển thị. Đây là loại đồng hồ thông minh được bày bán nhiều trên thị trường. Đồng hồ có màn hình hiển thị dữ liệu rõ nét và có bộ nhớ lớn nên cán bộ coi thi nghi vấn có thể chứa dữ liệu giúp thí sinh gian lận trong quá trình làm bài thi. Đại tá Trần Minh Chất,  Trưởng ban coi thi Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết trường đã  báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ để kịp thời phổ biến, rút kinh nghiệm tại các hội đồng tuyển sinh khác.

Theo Đại tá Trần Minh Chất, hiện trên thị trường có bày bán rất nhiều đồng hồ đeo tay loại này. Các đồng hồ này thường có màn hình hiển thị bằng đèn led điện tử với màu sắc, kiểu dáng vô cùng phong phú. “Các hội đồng tuyển sinh nên lưu ý các trường hợp sử dụng thiết bị này. Cách nhận biết rất đơn giản là thí sinh thường hay mặc áo dài tay. Trong giờ làm bài thi thường hay xem đồng hồ, tay chạm đồng hồ liên tục khi làm bài thi. Ngoài ra, cán bộ coi thi phải kiểm soát những thiết bị như kính, khuy áo. Các loại kính khả nghi có gắn camera thường có gọng to khác thường. Đồng thời bên cạnh chất liệu nhựa có thêm chi tiết bằng chất liệu kim loại. Camera khuy áo cũng rất dễ nhận biết; khuy thường to và có hình dạng khác thường”, Đại tá Trần Minh Chất lưu ý.

NHÓM PV

Thí sinh Nguyễn Minh Vượng (phải) vui vẻ sau giờ thi môn Toán.
Thí sinh Nguyễn Minh Vượng (phải) vui vẻ sau giờ thi môn Toán.
 

Thông tin liên quan

 Đề Lý mang tính phân loại cao

Tin cùng chuyên mục