Ngày mới ở Rạch Chiếc

Sáng 27-4, dưới cái nắng đã bắt đầu gay gắt của ngày hè, một nhóm cựu chiến binh già, quân phục chỉnh tề chạy xe máy nối đuôi nhau thẳng hướng cầu Rạch Chiếc. Men theo con đường đất nhỏ dưới chân cầu tạm được bắc song song với cầu Rạch Chiếc còn đang xây dựng dang dở, những cựu chiến binh già dừng lại ở bờ sông. Ở đó, nép dưới chân cầu là tấm bia đá với dòng chữ khắc nổi: Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc.

Sáng 27-4, dưới cái nắng đã bắt đầu gay gắt của ngày hè, một nhóm cựu chiến binh già, quân phục chỉnh tề chạy xe máy nối đuôi nhau thẳng hướng cầu Rạch Chiếc. Men theo con đường đất nhỏ dưới chân cầu tạm được bắc song song với cầu Rạch Chiếc còn đang xây dựng dang dở, những cựu chiến binh già dừng lại ở bờ sông. Ở đó, nép dưới chân cầu là tấm bia đá với dòng chữ khắc nổi: Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc.

Mọi năm, cựu binh Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động thường về thắp hương cho đồng đội vào ngày 28-4. Năm nay, nhiều người bận nên nhắn nhau về sớm một ngày. Được con rể chở xe máy từ Bình Thuận xuống từ sáng sớm, bà Võ Thị Thu nói: “Hàng năm, cứ đến ngày này là dù bận bịu chuyện gì, tôi cũng bỏ hết để về đây đốt cho anh em đồng đội nén nhang. Năm nào nghe trong mình khỏe thì tự chạy xe đi, không khỏe thì đi xe khách”.

Ông Nguyễn Đức Thọ, một trong những chiến sĩ tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc 37 năm trước lặng người bên bia tưởng niệm, nhớ lại: “3 giờ sáng 28-4, tiếng súng B40 của tôi vừa dứt, một góc chòi gác ở chân cầu Rạch Chiếc đổ sụp. Anh em xông lên, tiếng thủ pháo, đạn vang khắp mặt trận. Quân ta tràn vào chòi canh, chiếm được bên đây cầu Rạch Chiếc. Lúc này, anh em thuộc 3 đơn vị D81, Z22 và Z23 đã hòa làm một. Đến 6 giờ sáng, địch bắt đầu phản công dữ dội, những chiếc tàu bay rà rà thả quân xuống bên kia cầu, pháo từ các phía bắn xối xả.

Anh Thành, quyền Đại đội trưởng Z22, bị đạn bắn gẫy một chân. Anh em trong đơn vị đánh chiếm được 1 bo bo của địch, liền đưa anh lên đẩy ra phía cửa sông, tìm đường thoát cho anh. Nhưng Thành không chịu: “Thà chết cũng ở lại với anh em”. Hai chiến sĩ khác là Mừng và Quang liền ghé vai dìu đồng đội đi sâu vào vùng đầm lầy. Thành bị trúng đạn lần thứ 2, gãy nốt chân còn lại. Ngâm lâu dưới sình, đôi chân của anh sưng vù. Không kìm được, Thành bật tiếng rên nhỏ. Ngay lập tức, pháo, đạn của địch đổ dồn về phía cánh đồng sình. Quang đứng bật dậy, bắn 1 quả B41 vào giữa đội hình địch. Cũng hầu như ngay lập tức, sau một quả pháo của địch, đội hình 3 người Thành – Quang - Mừng đã vĩnh viễn nằm lại.

Ở ngay sát chân cầu, Thất cầm súng tiến lên sát đầu cầu để bắn chính xác hơn. Anh em gần đó hét lên: “Đứng xa ra, không dính đạn bây giờ”. Nhưng Thất không nghe thấy, anh chỉ thấy trước mặt là quân thù. Bắn hết đạn, anh dùng mìn tiếp tục tiêu diệt địch. Đến tận lúc bị địch bắt sống, Thất vẫn bình thản vô cùng. Sau này, khi đi gom thi thể đồng đội, anh em trong đơn vị mới hay, vì thấy anh lính trẻ quá gan dạ, địch đã xử tử anh tại chỗ, thi thể bị phân làm đôi vứt ở 2 bên vệ đường…”.

Chuyện hầu hết liệt sĩ trong trận đánh bị mất xác dưới lòng sông, đến nay vẫn không tìm lại được là nỗi canh cánh bên lòng của ông Nguyễn Đức Thọ cùng đồng đội. “Sài Gòn được giải phóng mấy ngày, anh em quay lại chốn cũ nhưng chỉ tìm được 9 hài cốt. Vì hoàn cảnh chưa cho phép, chúng tôi chỉ có thể liệm các anh bằng túi ni lông, chôn tại chân cầu Rạch Chiếc với tấm tôn ghi họ tên, quê quán. Thời gian sau, con nước lên - xuống biến khu vực này thành bãi sình, rồi nhà cửa mọc lên khiến mộ của các anh mất dấu.

Đến nay, trong số 9 người tìm được xác ngày ấy, mới chỉ có anh Nguyễn Văn Thất và anh Lê Trọng Việt được quy tập về Nghĩa trang Thủ Đức. Còn hài cốt của anh Lương Xuân Tầm và anh Nguyễn Văn Minh, chúng tôi xác định nằm ở khu vực sân golf Thủ Đức, nhưng không thể biết đích xác nơi nào” - ông Nguyễn Đức Thọ chùng giọng.

Công trường vẫn đang thi công. Cát bụi mịt mù, tiếng búa tạ, tiếng đất đá đổ rào rào, tiếng bánh xe dập dềnh trên thân cầu sắt nghe rầm rập. Trong không khí ồn ào náo nhiệt đó, các cựu chiến binh già vẫn tỉ mẩn soạn ra từng nhánh cúc tím, bó đồng tiền màu đỏ cắm thành một lọ hoa. Rồi thì nào bánh bò, thịt heo quay, gà luộc, chục quýt đường, vài trái mãng cầu được những bàn tay đã hơi lập cập, thoáng vụng bày biện ra đĩa.

Lễ tưởng niệm đã xong, những cựu chiến binh già vẫn tha thẩn đi dọc bờ sông cắm từng cây nhang vào mé nước. Mọi người gọi một chiếc xuồng chèo và mang theo vòng hoa lớn xuôi theo dòng nước. Trận đánh năm đó, đơn vị có 52 liệt sĩ nhưng có đến 43 đồng đội của các cô, các chú vẫn nằm ở đáy sông. Giờ mọi người mang hoa đi dọc khúc sông này để các anh ấm lòng…

UBND TPHCM vừa chấp thuận chuyển giao dự án xây dựng công trình Công viên- Bia tưởng niệm các chiến sĩ đặc công, biệt động trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (Sở VH-TT-DL) về UBND quận 2 làm chủ đầu tư.

Các cá nhân, tổ chức nếu có thông tin về nơi yên nghỉ của các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, xin vui lòng liên hệ với ông Nguyễn Đức Thọ (Ủy viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động) theo số điện thoại 0938.188.619.

ÁI CHÂN - MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục