Ngày tàn của nhà khổng lồ Siemens AG - Bài 2: Án phạt kỷ lục?

Ngày tàn của nhà khổng lồ Siemens AG - Bài 2: Án phạt kỷ lục?

Kể từ khi chính thức niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán New York, Siemens đã tự đặt mình dưới ảnh hưởng của Đạo luật chống tham nhũng của Mỹ (FCPA - US Foreign Corrupt Practices Act), một đạo luật cho phép Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) có quyền điều tra hoạt động của những công ty nước ngoài bị nghi ngờ tham nhũng và trừng phạt nghiêm khắc những đối tượng này nếu xác nhận có tội.

SEC sẽ không nương tay!

Ngày tàn của nhà khổng lồ Siemens AG - Bài 2: Án phạt kỷ lục? ảnh 1

CEO mới Peter Loescher của Siemens, người đang triển khai kế hoạch kiện những cựu lãnh đạo của chính tập đoàn này

Các chuyên gia chống tham nhũng của Mỹ đã chính thức buộc tội Siemens hối lộ các quan chức để nhận được một loạt những hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế cho Trung Quốc và Indonesia, hợp đồng cung cấp trang bị viễn thông cho quân đội Hungary và Na Uy, cũng như hợp đồng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Serbia…

Ngoài ra còn phải kể tới một loạt các tội danh khác vẫn đang thường xuyên được bổ sung trong quá trình điều tra.

Những gì đã và đang diễn ra cho thấy, Siemens chắc chắn không có hy vọng nhận được chút nương tay từ phía SEC. Với trường hợp của tập đoàn hàng đầu nước Đức này, Washington có ý định muốn thể hiện rõ quan điểm cho thấy, nước Mỹ sẵn sàng truy tố đến tận nơi tất cả những công ty nước ngoài đã vi phạm các đạo luật chống tham nhũng của mình, rằng các thương gia nước ngoài vẫn phải kinh doanh trong những điều kiện nghiêm ngặt tương tự như dân địa phương.

“Nạn tham nhũng trên toàn thế giới đang phá hoại nền dân chủ, ngăn cản việc điều hành của luật pháp và làm cho các thị trường trở nên bất ổn. Nó còn tạo ra những điều kiện không công bằng về luật chơi đối với các công ty” - đó là phát biểu của Trợ lý Bộ Tư pháp Mỹ Ellis Fisher khi nói về vụ của Siemens.

Với một tổ chức có vai trò điều phối thị trường như SEC, hoạt động điều tra của họ không e ngại bất cứ một đối tác nào, ngay cả các chính phủ nước ngoài. Chẳng hạn như SEC đã chính thức phản đối khoản tiền phạt 3 triệu USD  mà Chính phủ Na Uy đã trả thay cho Công ty năng lượng Statoil (hiện giờ có tên là StatoilHydro) của mình vì họ cho là quá ít so với mức sai phạm. Để trừng phạt tội đưa hối lộ tại Iran của công ty này, người Mỹ vào năm 2006 còn đòi thêm một khoản tiền phạt lên tới 18 triệu USD.

Các nhà chức trách Mỹ không chỉ xử lý các công ty nước ngoài dính líu tham nhũng, mà còn cả những cá nhân của họ bị nghi ngờ trực tiếp đưa hối lộ. Như hồi năm 2006, các điệp viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ tại sân bay quốc tế Miami công dân Pháp có tên Christian Sapsizan, một nhân viên của Alcatel-Lucent, nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông cỡ lớn của Pháp.

Sapsizan bị buộc tội đưa một khoản tiền hối lộ tới 2,5 triệu USD cho các quan chức Costa Rica để có thể ký một hợp đồng cung cấp điện thoại di động.

Các chuyên gia về chống tham nhũng đều cho rằng, SEC sẽ áp đặt lên Siemens một khoản tiền phạt kỷ lục. Trước đó, khoản tiền phạt lớn nhất cho đến thời điểm này đã được áp dụng cho Công ty Baker Hughes Services International vào đầu năm ngoái.

Hãng dầu mỏ này đã phải dốc túi tới 44 triệu USD để nộp phạt do đã hối lộ cho các quan chức Kazakhstan để nhận được hợp đồng bảo dưỡng các mỏ dầu tại quốc gia này. Nhưng trong trường hợp của Siemens - khi vấn đề không phải là một mà là rất nhiều vụ hối lộ - khoản tiền phạt chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Theo nhận định của chuyên gia, con số này có thể lên tới 2 tỷ USD.

Thiệt đơn thiệt kép

Tuy nhiên đối với các quan chức của Siemens, ngay cả khoản tiền nộp phạt khổng lồ trên (dù có thể lên tới hàng tỷ USD) có thể chưa phải là điều đáng sợ nhất.

Để thực thi tất cả các điều kiện tiếp theo của SEC, Siemens rất có thể còn phải tuân thủ theo mệnh lệnh của các nhà quan sát - những người có trách nhiệm theo dõi mọi quá trình đàm phán của người Đức với mọi khách hàng tiềm năng để ngay lập tức ngăn chặn mọi âm mưu hối lộ.

Phía giám sát sau đó sẽ báo cáo kết quả công việc của mình trực tiếp lên các nhà chức trách từ phía Mỹ. Trong khi chính Siemens phải đứng ra chi trả tiền thuê những chuyên gia giám sát này. Nếu quá trình giám sát này kéo dài tới vài tháng, Siemens rất có thể sẽ mất thêm một số lượng đáng kể các đơn đặt hàng.

Bản thân Siemens hiện cũng đã chi tới 500 triệu USD để thuê hãng luật Debevoise & Plimpton tại New York tổ chức điều tra riêng trong nội bộ của mình. Các kết quả cụ thể cũng sẽ được Debevoise & Plimpton chuyển cho SEC.

Điều này cho thấy, Siemens đang cố gắng đáp ứng một cách nhanh nhất những đòi hỏi từ phía chính quyền Mỹ. Nhưng trước khi chính thức đưa ra phán quyết về khoản tiền phạt, người Mỹ vẫn muốn phải xác định rõ, tập đoàn này của Đức đã kiếm được bao nhiêu tiền nhờ trò đưa hối lộ. Quá trình điều tra như vậy rất có thể sẽ mất nhiều tháng, nếu như không nói là tới vài năm.

Để “lấy lòng” của SEC, không ít các quan chức hàng đầu của Siemens vào năm ngoái đã phải thi nhau từ chức. Giới lãnh đạo hiện nay của tập đoàn dẫn đầu là một người Áo Peter Loescher, lần đầu tiên trong lịch sử của Siemens, thậm chí còn định kiện cả chính những quan chức tiền nhiệm của mình.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những sự kiện mới được phanh phui làm cơ sở cho thấy, giới lãnh đạo trước đó đứng đầu là Henrich von Pierer (người đã làm chủ tịch điều hành 12 năm liền) đã biết rõ về các vụ hối lộ nhiều hơn ông ta đã khẳng định trước đây. Một loạt những trò của “ông trùm hối lộ” Pierer sau đó đã nhanh chóng được đưa ra ánh sáng.


NHƯ QUỲNH (tổng hợp)


Bài 3: Đạo diễn của những trò hối lộ

Tin bài liên quan:
- Ngày tàn của nhà khổng lồ Siemens AG - Bài 1: Khi kinh doanh dựa trên nền tảng hối lộ!

Tin cùng chuyên mục