Ngày 10-12, kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa VIII tiếp tục làm việc với phần thảo luận tại hội trường của các đại biểu (ĐB). Bên cạnh phân tích, mổ xẻ những tồn tại của nền kinh tế TP, các ĐB cũng hiến kế nhiều giải pháp thiết thực.
Giải pháp căn cơ để phát triển bền vững
Một số ĐB cho rằng báo cáo về bức tranh kinh tế của TPHCM rất khả quan với nhiều kết quả tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy UBND TP đi sâu vào phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, từ đó có giải pháp căn cơ nhằm đưa kinh tế TP tăng trưởng bền vững hơn. ĐB Tô Thị Bích Châu nêu: “Trong báo cáo kinh tế - xã hội thấy UBND TP nói kinh tế đang phục hồi và “ấm” dần nhưng về các quận huyện, quan sát hoạt động của nhiều doanh nghiệp thì vẫn chưa thấy “hơi ấm” đó”.
Ở khía cạnh khác, ĐB Thái Tuấn Chí cho rằng, TP có lợi thế về cảng biển, hàng không và cũng là nơi đầu tiên doanh nghiệp nước ngoài nghĩ đến khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Vậy nhưng, dù TP luôn định hướng phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, trên thực tế lại rất thiếu nguồn nhân lực cao cấp cho các dự án FDI cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. ĐB Từ Minh Thiện góp ý: Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của TP lâu nay mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là các giải pháp kích thích doanh nghiệp tham gia. Các sản phẩm xuất khẩu của TP có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm chủ lực lại không thấy nhiều…
Từ thực tế này, nhiều giải pháp được ĐB đề xuất. Theo ĐB Thái Tuấn Chí, TP cần sớm xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời thành lập ban nghiên cứu các cơ hội từ Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tư vấn chiến lược và đề xuất các chính sách đón đầu các nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp.
Lo lắng trước tình hình kim ngạch xuất khẩu của TP năm 2013 bị giảm sút, ĐB Từ Minh Thiện kiến nghị TP sớm có chiến lược rõ ràng về thị trường và sản phẩm xuất khẩu. “Nếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của TP, doanh nghiệp không được hỗ trợ và chuẩn bị kỹ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì sẽ có hiện tượng doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại, sở hữu và nội lực của doanh nghiệp trong nước ít nhiều bị ảnh hưởng”, ĐB Từ Minh Thiện nêu ý kiến. Ngoài ra, theo ông, TP cần có chính sách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng, nguyên vật liệu thô vì hiện nay lượng nguyên liệu thô xuất sang Trung Quốc rất lớn.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ
Ở góc nhìn khác, theo ĐB Trương Vĩ Kiến, trước những biến động bất thường của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước, nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất và đây là thời điểm doanh nghiệp mong nhà nước hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục trụ vững, vượt khó. Điều đáng mừng là hiện nay nhiều ngân hàng đã tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn mới cho sản xuất khi doanh nghiệp ăn nên làm ra. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản về giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng như miễn, giảm lãi vay, không thu lãi quá hạn và cơ cấu nợ cho doanh nghiệp có thời hạn đến ngày 31-12-2013.
Tuy nhiên, theo ĐB Trương Vĩ Kiến, thời hạn này rất gấp đối với doanh nghiệp nên ông đề nghị UBND TPHCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm thời hiệu của văn bản này. Ngoài ra, ông cũng đặt vấn đề TP nên tiếp tục kiến nghị Chính phủ về nợ đọng thuế hải quan, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể: tạm thời cho doanh nghiệp được giãn nợ thuế, giảm và khoanh nợ phát sinh trong một thời gian nhất định, nếu được hỗ trợ nhiều doanh nghiệp sẽ hồi sinh.
Khẳng định nền kinh tế đang phục hồi, tham gia trả lời kiến nghị của các ĐB, Giám đốc Sở Tài chính TP Đào Thị Hương Lan cho biết: GDP là biểu hiện “sức khỏe” nền kinh tế. Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP đều ở từng quý (quý 1 đến quý 4 tăng lần lượt là 7,6%, 8,1%, 10,3% và 10,7%), điều này khẳng định kinh tế TP dần phục hồi. Còn nếu so sánh với GDP thành phố trong năm 2012 tăng 9,2% thì sang năm 2013 nhích lên 9,3% cũng cho thấy sản xuất vẫn có tăng trưởng. Chưa kể số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhiều hơn giảm. Tính đến tháng 10-2013, số doanh nghiệp tăng thêm 28.586 đơn vị. Ngoài ra có 5.679 doanh nghiệp tái hoạt động, trong khi đó số doanh nghiệp giảm chỉ có 18.997 doanh nghiệp. Hiện nay, TP có tổng cộng 138.586 doanh nghiệp đang hoạt động.
Biểu hiện của sự hồi phục nền kinh tế TP còn được Giám đốc Sở Tài chính minh họa là tỷ trọng số tờ khai có thuế thu nhập của doanh nghiệp tăng dần hàng quý. “Doanh nghiệp có lợi nhuận mới kê khai thuế, chứng tỏ sản xuất có dấu hiệu hồi phục và lâu nay thu thuế từ khu vực sản xuất chiếm đến 70% trong tổng nguồn thu”, bà Đào Thị Hương Lan khẳng định.
Hôm qua, các đại biểu HĐND TPHCM đã thảo luận và thông qua nội dung 13 tờ trình của UBND TP. Trong đó, có một số tờ trình liên quan đến đời sống người dân như: tờ trình điều chỉnh giá gần 2.000 dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập áp dụng từ ngày 1-6-2014 với mức tăng bình quân 49% so với hiện tại; tờ trình về điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội và tại cầu Bình Triệu.
Ngoài ra, một số tờ trình khác cũng được thông qua như tờ trình về bảng giá các loại đất trên địa bàn TP công bố ngày 1-1-2014; tờ trình về chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn TP giai đoạn 2014 - 2015 với tiêu chí hộ nghèo là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và hộ cận nghèo là giai đoạn 2014 - 2015 là 22 triệu đồng/người/năm trở xuống; tờ trình giảm tỷ lệ thu phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) từ 15% xuống còn 10%; tờ trình về bổ sung Quỹ tên đường tại TP...
| |
VÂN ANH - ÁI CHÂN
| |
|